“Xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra trong hơn một tuần qua đã và đang tác động sâu sắc đến kinh tế, tài chính thế giới. Với độ mở kinh tế lớn, nên kinh tế Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu sẽ chịu ảnh hưởng trong dài hạn, rất cần có biện pháp ứng phó” - ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương bình luận.

Xuất hiện những rủi ro thương mại

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD tăng 13,8% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD. Đối với Ukraine, thương mại hai chiều Việt Nam - Ukraine mới đạt trên 720 triệu USD. Tức cả hai thị trường này chỉ chiếm khoảng trên 1,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu nhìn vào hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nga và Ukraine thì thấy rằng, xung đột giữa 2 quốc gia ít ảnh hưởng đến trị giá XNK của Việt Nam. Tuy nhiên, là quốc gia có độ mở kinh tế lớn, Việt Nam có thể hứng chịu những tác động sâu rộng trong dài hạn do xung đột Nga - Ukraine. Đồng quan điểm nêu trên, ông Tạ Hoàng Linh cũng cho rằng, Việt Nam hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu, vì vậy sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến động của thị trường quốc tế và ảnh hưởng ban đầu đó là về thương mại hàng hóa, cung cầu, giá cả, vận chuyển, lưu thông hàng hóa…

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, về lâu dài các lệnh trừng phạt của một số nước nhằm vào Nga sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và công cụ thanh toán. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất sang Nga là điện thoại, máy tính, điện tử gia dụng, dệt may, giày dép, đồ gỗ, da giày, thực phẩm... Theo thông tin hiện nay, các mặt hàng này không nằm trong diện trừng phạt và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể giao dịch với Nga.

“Do tác động của lệnh trừng phạt và kinh tế giảm sút nên đồng nội tệ Nga cũng mất giá rất nhanh, sức mua giảm và việc Nga bị trừng phạt nặng nền làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngại ngần, hạn chế giao dịch với thị trường Nga trong thời gian tới. Dự báo xuất khẩu thời gian tới của Việt Nam sang Nga sẽ có những sự giảm sút nhất định” - ông Linh cho hay.

Ngoài ra, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung, vì vậy giá cả nhiều mặt hàng thời gian tới sẽ tăng trên phạm vi toàn cầu. Đối với Việt Nam, lạm phát sẽ là yếu tố chính, quan trọng ảnh hưởng trực tiếp khi nói tới nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Có giải pháp đảm bảo ổn định hoạt động xuất nhập khẩu

Trước tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp để tìm giải pháp chủ động ứng phó. Hiện nay có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga, nhưng chưa nhận được tiền và đang băn khoăn về việc sẽ thu tiền hàng như thế nào khi Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).

Việc tìm những cách thức thanh toán khác để thay thế và không làm gián đoạn hoạt động giao thương cần được tính đến. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc các nước áp đặt lệnh trừng phạt với Nga có thể đặt ra thách thức với những doanh nghiệp Việt Nam có nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Nga và xuất khẩu thành phẩm sang các thị trường khác. Những tác động này sẽ diễn ra trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung cao độ việc đánh giá tình hình, tăng cường cảnh báo sớm và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại có thể xảy ra trong tình hình hiện nay.

Ông Tạ Hoàng Linh cho biết thêm, trước mắt, Bộ Công thương đã có khuyến cáo tới các hiệp hội và doanh nghiệp lưu ý về khả năng hàng hóa bị chậm trễ trong việc giao nhận do phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến rủi ro trong khâu thanh toán. Chính vì vậy, các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng.

Với các doanh nghiệp đang làm ăn tại Nga và Ukraine, nếu gặp khó khăn thì cần chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng như Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại hai nước để tìm hướng tháo gỡ.

Đặc biệt là Bộ Công thương sẽ chủ động cùng với Bộ Tài chính nắm bắt tình hình thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều hành đảm bảo nguồn cung đối với mặt hàng thiết yếu này. Trên thực tế xung đột giữa Nga và Ukraine đang khiến giá dầu tăng “dựng đứng”. Ngày 2/3, dầu Brent đã vượt mức 110 USD/thùng - lần đầu tiên kể từ năm 2014. Giá dầu, khí đốt tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới bởi đây là nguyên liệu đầu vào quan trọng đối với hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

“Việc chủ động nắm bắt tình hình, dự báo những diễn biến có thể xảy ra từ sớm sẽ giúp Việt Nam có những cách thức ứng phó phù hợp, vừa ổn định tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đặt ra” - ông Linh nói.

(Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!