Sản xuất hồi phục mạnh mẽ, đơn hàng nhiều, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu tăng cao... là những tiền đề để kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2022 sớm vượt mốc 700 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu năm 2022 sẽ sớm vượt 700 tỷ USD.
Theo thống kê của Bộ Công thương vừa công bố, kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1 đạt gần 177 tỷ USD, trong đó ghi nhận đà tăng trưởng mạnh 2 con số ở cả chiều xuất và nhập khẩu.
Cụ thể, hết tháng 3, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (22%) hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 10%), điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,43 tỷ USD, tăng 13,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,3 tỷ USD, tăng 17,1%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD.
Hết quý 1, có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với quý I/2021, chiếm 83,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,9%).
3 tháng qua, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và máy móc thiết bị đang gia tăng nhanh chóng để phục vụ nhu cầu phục hồi sản xuất trong nước trong nhiều ngành hàng.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt cao nhất, 21,72 tỷ USD, tăng 31% so với quý I/2021. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 15,2%, đạt 5,5 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 18,9%; cao su các loại tăng 33%; bông các loại tăng 40%; Nguyên, phụ liệu thuốc lá tăng 138%; than đá tăng 97%; dầu thô tăng 70%; xăng dầu các loại tăng 129%; sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 42,8%; hóa chất tăng 31,8%; phân bón tăng 55,8%...
Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2022 sẽ sớm vượt mốc 700 tỷ USD.
Năng lực sản xuất phục vụ xuất khẩu của Việt Nam hiện có nhiều dư địa để tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2022. Nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn vẫn thực hiện các dự án đầu tư mở rộng sản xuất, chuỗi cung ứng tại Việt Nam được củng cố và là mắt xích khó có thể thay thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hơn nữa, việc 15 FTA đang thực thi tiếp tục là đòn bẩy cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Các thị trường lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản...đang tăng nhập khẩu hàng hóa VIệt Nam. Điều này thể hiện ở kết quả xuất khẩu quý 1/2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,57 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang EU đạt 11,21 tỷ USD, tăng 16,3%; thị trường ASEAN đạt 8,1 tỷ USD, tăng 19,9%; Hàn Quốc đạt 6,26 tỷ USD, tăng 21%; Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, tăng 10,6%.
Nâm 2021, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục với tổng kim ngạch gần 670 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD. Việt Nam đã lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
(Nguồn: baodautu.vn)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!