Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới tiếp tục tăng mạnh, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng, dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân, đây là những thách thức mà các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt trong những tháng cuối năm.

6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5% và cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD. 

6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã đạt kết quả khả quan về xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã đạt hơn phân nửa mục tiêu của cả năm.

Cũng bứt tốc trong nửa đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng thuỷ hải sản đã tăng trưởng 40% so với cùng kì năm ngoái, ước đạt gần 5,8 tỷ USD. Một phần lý do đến từ việc thay vì sản xuất đơn lẻ, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển đổi sang mô hình liên kết với các nhà máy, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng các thị trường khó tính.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2022, ước đạt 27,6 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 5/2022 và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 18%).

Đối với thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2022: Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,96 tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 43,3%). Tiếp đến là Trung Quốc; thị trường EU; thị trường ASEAN; Hàn Quốc; Nhật Bản.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, những kết quả xuất khẩu khả quan đến từ việc doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, điều chỉnh phù hợp kế hoạch sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả. Cùng với đó, Việt Nam ngày càng tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và các FTA.

Tuy nhiên diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng, dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp (DN) và tiêu dùng của người dân. Cùng với đó, dịch COVID-19 với các biến thể mới cũng là mối nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng như các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022.

Ghi nhận từ một số DN, hiệp hội cho thấy, sau thời gian vật lộn với dịch COVID-19, nhiều ngành, lĩnh vực đã đạt thành tích tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2022. Song dù doanh thu tăng mạnh nhưng chi phí đầu vào tăng phi mã khiến lợi nhuận của nhiều DN hao mòn, thậm chí rơi vào tình trạng âm, điển hình như ngành xây dựng.

Dự báo nửa cuối năm nay, nhiều chuyên gia và các cơ quan chức năng nhận định, các đơn hàng có thể sẽ chững lại do lạm phát thế giới ở mức cao. Tình hình lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến sức mua nhiều mặt hàng tiêu dùng giảm sút, ảnh hưởng đến đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong nửa cuối năm.

Đại diện các ngành dệt may, da giày, công nghiệp hỗ trợ, điện tử... cho rằng, dù tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả khả quan nhưng vẫn chưa thể khẳng định được nhiều. Bởi dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia, trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành hàng của nước ta phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới.

Do đó, để đạt được các chỉ tiêu đề ra trong năm nay, Bộ Công Thương đưa ra giải pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.

Đồng thời, theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp...

(Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!