Sau hơn 1 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1/1/2021), xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Vương quốc Anh đã đạt thành tựu nổi bật, tăng trưởng hai con số trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng vỏ container kéo dài.
Chiều ngày 15/3, Bộ Công thương đã phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và định hướng sắp tới".
Theo Bộ Công thương, ngay năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, đã tận dụng được ưu đãi thuế quan sang thị trường này và có kim ngạch tăng trưởng tốt như hạt tiêu, rau quả… Cùng với đó, trong hiệp định cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, nhập khẩu miễn thuế một số hàng hóa bổ sung vào Vương quốc Anh, nhiều sản phẩm được bảo hộ tại quốc gia này, tạo tiền đề thâm nhập sâu vào thị trường Anh.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, kim ngạch song phương Việt Nam - Anh trong năm 2021 đạt 6,61 tỷ USD, tăng trưởng 17,24% so với năm 2020, cơ bản phục hồi về mức kim ngạch của năm 2019 trước khi giảm sâu do tác động của dịch Covid-19. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 5,7 tỷ USD, tăng 16%, còn nhập khẩu từ Anh sang Việt Nam tăng 24%.
Tuy mới được 1 năm, còn quá sớm để đánh giá toàn diện, nhưng theo các đại biểu tham dự hội nghị, kết quả đạt được như trên cho thấy còn nhiều dư địa để hai bên tận dụng cơ hội từ UKVFTA.
Các chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho rằng, sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh đang tích cực đàm phán các FTA với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có một số nước ASEAN, nên lợi thế cạnh tranh chúng ta đang có sẽ sớm mất đi nếu Vương quốc Anh có hiệp định với các quốc gia khác. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thâm nhập vào thị trường này để tận dụng ưu đãi thuế quan.
Cụ thể 65% thuế quan đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam - Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi UKVFTA có hiệu lực, Vương quốc Anh sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam. Con số này cao hơn so với EVFTA (70,3%). Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% thuế quan, phù hợp với các nước EU khác trong khuôn khổ EVFTA. Thuế suất đối với thương mại hàng hóa song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam tiếp tục được áp dụng như được lặp lại từ EVFTA. Tuy nhiên trong một số trường hợp, mức thuế suất không ưu đãi trên thực tế có thể thấp hơn do có những thay đổi trong biểu thuế Tối huệ quốc của Vương quốc Anh sau khi rời EU.
Những ưu đãi nổi bật khác từ UKVFTA có thể kể đến như: Trong ngành thủy sản, ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết các loại tôm nguyên liệu vào Anh sẽ giảm từ 10 - 20% xuống 0%. Trong ngành gỗ, nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm tới. Đối với trái cây: 94% trong tổng số 547 dòng thuế được xóa bỏ. UKVFTA đã duy trì các cam kết giữa EU và Việt Nam về tự do hóa thị trường mua sắm công và đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường có hiệu lực...
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cũng đánh giá, doanh nghiệp Việt đã tận dụng tương đối tốt hiệp định UKVFTA. Tuy nhiên, để tận dụng tốt hơn UKVFTA, việc đầu tiên doanh nghiệp mong chờ các cơ quan, bộ ngành là thông tin về các cam kết cũng như cách thức tổ chức, thực hiện. Không phải chỉ câu chuyện hạn ngạch là bao nhiêu, ngoài hạn ngạch là thế nào mà là cơ chế để được cấp hạn ngạch như thế nào. "Câu chuyện liên quan đến thực thi về cơ chế để thực thi cam kết không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả cơ quan quản lý nhà nước nhiều khi cũng lúng túng” - bà Trang cho hay.
Đại diện từ VCCI nhấn mạnh, không phải cứ có hiệp định là tự nhiên sẽ có thị trường hay khách hàng mà còn thông qua nỗ lực lâu dài tìm hiểu thông tin thị trường, nhu cầu người dùng cũng như các quy chế khác, hiểu các quy định để tuân thủ… Cùng với đó, cơ quan quản lý cần tạo cơ chế và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.
(Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!