Hiện, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đang có 240 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hoặc có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các nhóm ngành chủ yếu: Công nghiệp cơ khí; ô tô, xe máy; dệt may; điện tử, tin học; vật liệu xây dựng. 

Với thế mạnh là một trong những trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí ô tô, xe máy và điện tử ở phía Bắc, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua các chương trình, kế hoạch về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã Quyết định ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thế mạnh dựa trên nhu cầu phát triển, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 là một tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ.

Nội dung của Chương trình nhằm kết nối hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận thông tin, giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất.

Theo đó, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn Tỉnh có trên 50 doanh nghiệp có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung cấp một phần cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu; 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia được vào thị trường quốc tế; liên kết xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, có tổng kinh phí thực hiện là gần 95 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước là khoảng 66 tỷ đồng và hơn 28 tỷ đồng từ các nguồn khác. Qua đó, phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ của Vĩnh Phúc trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

(Nguồn: Tapchicokhi.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!