Năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang Đức 3,37 tỷ USD và 3 tháng đầu năm nay xuất siêu sang nước này gần 1,2 tỷ USD.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thời gian qua, trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng chung, thị trường Đức vẫn là điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy: tổng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – Đức năm 2021 đạt trên 11,13 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Đức đạt trên 7,25 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2020; nhập khẩu từ Đức đạt khoảng 3,88 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: máy móc, thiết bị, điện thoại; giày dép; dệt may; cà phê; thủy sản... Các mặt hàng nhập khẩu gồm: máy móc, thiết bị; dược phẩm; hóa chất; linh kiện phụ tùng ô tô...

3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 2,12 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Đức đạt 929,4 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, năm 2021 Việt Nam xuất siêu sang Đức 3,37 tỷ USD và 3 tháng đầu năm nay xuất siêu sang nước này gần 1,2 tỷ USD.

“Đây là một tín hiệu rất khả quan, nằm trong xu hướng tăng chung của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và EU sau hơn 1 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)”, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đánh giá tại “Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Đức” do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Đức tổ chức chiều nay 21/4.

Thông tin thêm về thị trường nhiều tiềm năng này, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho biết: trong nhiều năm qua, Đức vẫn duy trì là quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đứng thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc).

Theo thống kê của ITC Trademap, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đức là 2.550 tỷ USD (chiếm khoảng 67% GDP của Đức). Trong đó, xuất khẩu đạt 1.378 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1.172 tỷ USD.

Đối với hàng nông sản, mặc dù tỷ trọng trong tổng nhập khẩu không lớn nhưng Đức vẫn là nước thuộc EU nhập khẩu nhiều nhất các sản phẩm rau quả tươi và chế biến (23,1 tỷ USD); chè, cà phê, gia vị (4 tỷ USD); thủy sản chế biến (1,65 tỷ USD); mật ong (274 triệu USD)…

Theo ông Bùi Vương Anh, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Đức, Đức được biết đến là một trong số những thị trường tiêu dùng “khó tính” nhất trên thế giới. Người tiêu dùng Đức thường rất kỹ tính, bảo thủ và trung thành với các thương hiệu quen thuộc.

Ước tính có khoảng 60% người tiêu dùng sẵn sàng mua nhiều lần cùng một nhãn hiệu đã sử dụng. Vì thế, người Đức thường ưu tiên sử dụng các sản phẩm trong khu vực châu Âu, sản phẩm quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người tiêu dùng Đức cũng ngày càng cởi mở hơn với hàng hóa quốc tế.

Đây được xem là dấu hiệu tương đối thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này thời gian tới.

Cách tiếp cận thị trường Đức được ông Bùi Vương Anh đề cập tới là nghiên cứu kỹ các quy định về nhập khẩu hàng hoá, thuế, thủ tục hải quan, đặc biệt là các quy định phi thuế quan như quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS)...

Ngoài ra, doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức thâm nhập thị trường và quảng bá sản phẩm phù hợp; tìm kiếm đối tác tin cậy, hợp tác bền vững tránh tư tưởng kinh doanh ngắn hạn; xác minh đối tác kinh doanh trước khi thực hiện ký kết hợp đồng.

“Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh sản phẩm, quy trình sản xuất (nếu cần) để đáp ứng yêu cầu của thị trường và của người mua; tăng cường thiết lập và củng cố mối quan hệ đối tác lâu dài, tin tưởng lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ với nhà nhập khẩu để nắm bắt những yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, khuynh hướng thị trường...”, ông Bùi Vương Anh nhấn mạnh.

(Nguồn: haiquanonline.com.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!