5.200 doanh nghiệp Đức đầu tư tại Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược phân bổ và đa dạng hoá địa điểm đầu tư. Họ nhìn vào Bangladesh, Srilanka, Ấn Độ, nhưng 95% hướng vào khu vực Đông Nam Á trong đó Thái Lan và Việt Nam là hai tầm ngắm quan trọng...

Ngày 8/6, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức đã tổ chức buổi họp báo AHK World Business Outlook Index 2022 với chủ đề: "Việt Nam - biến nghịch cảnh thành cơ hội - Tận dụng lợi thế để phục hồi kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài".

VIỆT NAM LÀ ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN VỚI DOANH NGHIỆP ĐỨC

Tại buổi họp báo, bà Đào Thu Trang, Trưởng bộ phận tư vấn chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, đã chia sẻ kết quả khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức do mạng lưới các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại nước ngoài thực hiện gần đây.

Kết quả cho thấy, doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh doanh và kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Gần 93% doanh nghiệp Đức cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và hơn 64% kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn trong 12 tháng tới.  

Đánh giá cho rằng, việc mở cửa biên giới và các chính sách quyết liệt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam tạo động lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Doanh nghiệp Đức lạc quan hơn về triển vọng phát triển kinh tế trong 12 tháng tới so với thời điểm mùa thu năm 2021. Vì thế, có hơn 46% doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong năm tới.

Doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát cũng bày tỏ rằng các yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định đầu tư và kinh doanh của họ ở Việt Nam là tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, vận tải và logistics…

Mặc dù doanh nghiệp Đức thể hiện khả năng chống chịu trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, song vẫn đang đối mặt với các rủi ro và thách thức do sự bất ổn toàn cầu, khiến họ lo ngại hơn về sự phát triển kinh doanh trong năm tới.

Hiện tại, họ cho rằng rủi ro lớn nhất là giá nguyên liệu thô (75% doanh nghiệp lo ngại), sau đó là giá năng lượng, điện và xăng dầu (57%) và sự thiếu hụt lao động tay nghề cao (35,7%).

Bên cạnh đó, xung đột Nga-Ukraine cũng gây ra các tác động về kinh tế cho họ. Chi phí năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics là những vấn đề đáng lo ngại nhất (74,1%).

Điều này dẫn đến những thay đổi trong hoạt động đầu tư kinh doanh quốc tế của họ như điều chỉnh đánh giá rủi ro về địa điểm và tách rời tương quan giữa các khu vực trên thế giới.

 ĐIỀU GÌ KHIẾN VIỆT NAM HẤP DẪN NHÀ ĐẦU TƯ ĐỨC?

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, chia sẻ, doanh nghiệp Đức ở Việt Nam đã tạo ra 50 nghìn việc làm cho lao động Việt Nam.

Hiện có khoảng 5.200 doanh nghiệp Đức đầu tư tại Trung Quốc. Những doanh nghiệp này đang theo đuổi chiến lược phân bổ và đa dạng hoá địa điểm đầu tư. Họ nhìn vào Bangladesh, Srilanka hay Ấn Độ nhưng 95% họ nhìn vào khu vực Đông Nam Á trong đó Thái Lan và Việt Nam là hai tầm ngắm quan trọng của họ.

Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Đức, theo ông Marko Walde, do Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong dòng dịch chuyển thương mại quốc tế. Trong 10 nước của Asean thì chỉ có 4 nước tham gia vào CPTPP (trong đó có Việt Nam) và chỉ có 2 nước có FTA với EU là Singapore và Việt Nam.

Singapore có lợi thế không phải để đầu tư sản xuất mà Việt Nam có lợi thế này. Doanh nghiệp Đức có thể đầu tư tại Việt Nam với 100% vốn nước ngoài, có thể sở hữu 100% cho mình. Người lao động Việt Nam rất chăm chỉ học hỏi.

Cùng với đó là sự gắn kết chặt chẽ về kinh tế - xã hội giữa Đức và Việt Nam nhất là các nước phía đông Đức. Điều này đã xây dựng lên mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức.

Tuy nhiên, hạn chế mà các doanh nghiệp Đức không chọn Việt Nam mà chọn Thái Lan vì họ có ngành công nghiệp cung ứng trải rộng trên đất nước – nhưng đây lại là hạn chế của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục dạy nghề. Những bố mẹ ở Việt Nam đều muốn con cái học Đại học chứ không muốn học ở trường dạy nghề. "Chúng ta không thể sản xuất ra ô tô, máy móc hiện đại chỉ bằng những cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp đại học mà cần có lao động đào tạo nghề chất lượng cao, điều này cần phủ rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam", ông Marko khuyến nghị.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng về giao thông, năng lượng tại Việt Nam có phát triển tích cực trong thời gian qua song vẫn còn một số điểm hạn chế.

Để Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Đức hơn nữa, Việt Nam cần có hệ thống doanh nghiệp cung ứng đầu vào nhanh và ngay lập tức, có mạng lưới và khả năng cung ứng tốt.

Các doanh nghiệp Đức cũng băn khoăn đặt câu hỏi, nguồn năng lượng cho các doanh nghiệp sản xuất của Đức sẽ đến từ đâu? Ở Đức có bộ luật về đảm bảo năng lượng cho các hệ thống cung ứng. Ở Mỹ có quy định: tất cả các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn tài trợ, nguồn vốn trên thị trường thì các hoạt động sản xuất của họ phải tiêu thụ năng lượng từ năng lượng tái tạo, khi đó mới có thể tìm nguồn vốn trên thị trường Bắc Mỹ được.

Có nhiều tỉnh ở Việt Nam nếu xây dựng được hệ thống năng lượng tái tạo phủ rộng thì sẽ là nền tảng tốt cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ở các tỉnh này trong 20-30 năm tới. Vì thế ông Marko khuyến nghị, việc xây dựng lên mạng lưới năng lượng tái tạo tại Việt Nam là cần thiết nhằm thu hút đầu tư vào Việt Nam trong tương lai.

Hơn nữa, các nhà đầu tư Đức đến Việt Nam với mong muốn win-win, muốn tỷ lệ nội địa hoá đến từ các nhà cung ứng Việt Nam chiếm 50% trong các sản phẩm của doanh nghiệp Đức. Do đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực đầu vào theo chuẩn quốc tế, để tạo ra ngành công nghiệp hỗ trợ cạnh tranh được với Thái Lan.

(Nguồn: vneconomy.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!