Doanh nghiệp là động lực trên mặt trận kinh tế. Trong 2 tháng đầu năm, lực lượng này đã đạt được những kết quả tích cực. Đây là tín hiệu khả quan không chỉ cho phát triển doanh nghiệp mà còn cho chiến lược phục hồi kinh tế trong năm 2022.
Dấu hiệu thương mại phục hồi
Một trong những kết quả nổi bật nhất của kinh tế 2 tháng đầu năm là số doanh nghiệp (DN) thành lập mới đạt khá, tăng 11,9% tương ứng tăng 2.158 DN so với cùng kỳ năm trước. Điều này thể hiện tinh thần khởi nghiệp của tầng lớp doanh nhân - lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế.
Trong điều kiện đại dịch Covid-19 lan rộng và bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh, thành phố, thì tinh thần khởi nghiệp đó càng đáng trân trọng; là tín hiệu khả quan góp phần hồi phục kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; làm tấm gương cho nhiều cơ sở cá thể, hợp tác xã, trang trại vượt lên thành lập mới DN; tạo động lực cho việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, chuyển vị thế của đất nước.
Đáng chú ý, trong tổng số DN thành lập mới, có 6 ngành đạt trên 1.000 DN, nhiều nhất là thương mại, tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác, kinh doanh bất động sản, vận tải, kho bãi. Đó là những ngành sẽ góp phần lớn vào phục hồi kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động - mục tiêu của chương trình phục hồi, theo nghị quyết của Quốc hội.
Một kết quả quan trọng nữa là số DN quay trở lại hoạt động khá nhiều (22.342 DN), tăng 102,6%, tương ứng tăng 11.309 DN so với cùng kỳ. Điều đó thể hiện ý chí vượt khó không chịu thất bại của đội ngũ doanh nhân, cũng là tấm gương cho nhiều doanh nhân khác tinh thần vượt khó như vậy - không chỉ những rủi ro của cơ chế thị trường mà còn có những tác động của dịch bệnh, thiên tai,...
Trong tổng số DN quay trở lại hoạt động có 6 ngành đạt trên 1.000 DN, nhiều nhất là thương mại, tiếp đến là xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải kho bãi. Đó cũng đồng thời là những ngành thời gian qua bị tác động lớn nhất của đại dịch và cũng là những ngành góp phần lớn vào thực hiện mục tiêu của chương trình phục hồi kinh tế.
Với những kết quả khả quan như trên, tổng số DN “vào” thị trường hoặc quay trở lại thị trường trong 2 tháng đầu năm đã đạt tới 42.630 DN, tăng 46,1%, hay tăng 13.467 DN so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp, số DN tăng thêm và quay trở là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022.
Vẫn còn đó những thách thức
Bên cạnh những kết quả tích cực, diễn biến về DN trong 2 tháng đầu năm cũng có những hạn chế và đứng trước những thách thức không nhỏ.
DN thành lập mới tuy tăng về số lượng, nhưng giảm về vốn đăng ký (giảm 17,1%) và giảm về số lao động (giảm 19,3%) - có nghĩa là những DN đăng ký thành lập mới có quy mô nhỏ. Có những ngành còn giảm về số DN (như sản xuất phân phối điện, nước, gas; giáo dục đào tạo; nghệ thuật, vui chơi, giải trí; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác...
Một số ngành còn có lượng vốn đăng ký giảm sâu, như nghệ thuật, vui chơi, giải trí, công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, nước, gas, xây dựng, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội,... Đồng thời, một số ngành có số lao động giảm sâu hơn tỷ lệ chung nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, các ngành y tế, hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật vui chơi, giải trí, hoạt động dịch vụ khác.
Cùng với đó, số DN ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường còn nhiều, lên tới 44.892 DN, tăng 34% hay tăng 11.380 DN. Số này nhiều hơn số DN “vào” hoặc quay trở lại thị trường nên đã làm cho số DN đang hoạt động bị giảm khoảng 2.262 DN.
Thách thức lớn đối với DN có nhiều. Ngoài yếu tố vốn, kể cả số vốn từ ngân hàng đưa ra theo cấp bù lãi suất theo chương trình phục hồi do triển khai còn chậm, còn có nhiều yếu tố khác. Chi phí đầu vào tăng cao từ năm trước, nay “nhập khẩu lạm phát” tiếp tục do giá nhập khẩu tính bằng USD tăng cao, nếu tỷ giá VND/USD từ nay đến cuối năm tăng, thì giá nhập khẩu tính bằng VND còn bị tăng “kép” (vừa tăng khi tính giá nhập bằng USD, vừa tăng do tỷ giá VND/USD tăng).
Một thách thức lớn là cán cân thương mại hàng hóa trong 2 tháng năm nay ngược chiều so với cùng kỳ năm trước (nhập siêu 936 triệu USD so với xuất siêu 299 triệu USD) do nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu (15,9% so với 10,2%).
Tiêu thụ trong nước biểu hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế tăng 1,7%, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì bị giảm 0,3% (ngược chiều so với tăng 0,7% của cùng kỳ năm trước); nếu tính bình quân đầu người thì còn bị giảm sâu hơn nữa (khoảng trên 1%). Một số khoản trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2 tháng đầu năm nay còn bị giảm khi tính theo giá thực tế (như du lịch lữ hành giảm 10,9%, dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 1,8%, dịch vụ khác giảm 5,9%).
Để giải quyết các vấn đề của DN, cần phải có nhiều giải pháp vừa cơ bản, vừa cấp bách.
Giải pháp tức thời khẩn cấp là kiểm soát được dịch bệnh và thích ứng an toàn. Triển khai ngay các gói hỗ trợ DN, đặc biệt là gói cấp bù lãi suất để nhanh chóng kéo nguồn tín dụng ra thị trường, hỗ trợ DN.
Giải pháp cơ bản là giúp cho việc khởi nghiệp nhiều và nhanh hơn nữa, trên cơ sở cải thiện hơn nữa thủ tục hành chính, hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp. Hỗ trợ cho các DN đang hoạt động có vốn hoạt động, duy trì sản xuất kinh doanh và phát triển quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động.
(Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!