Tiềm năng thương mại Việt Nam - Ấn Độ rất lớn, khả năng thương mại song phương sẽ đạt 15 tỷ USD trong năm 2022. Tuy nhiên điểm nghẽn là kết nối giao thông vận tải, đặc biệt là thiếu tuyến đường biển kết nối trực tiếp giữa hai nước...

Thiếu tuyến đường biển kết nối trực tiếp giữa Việt Nam - Ấn Độ.

Tại hội nghị trực tuyến khai trương tuyến tàu biển kết nối miền Trung Việt Nam với Ấn Độ - Bangladesh do Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp Tổng công ty hàng Hải Việt Nam (VIMC) vừa tổ chức, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam, cho biết Ấn Độ là đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam và khả năng thương mại song phương sẽ đạt mục tiêu 15 tỷ USD năm 2022, đúng vào năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ.

Tiềm năng thương mại giữa hai bên là rất lớn nhưng một trong những điểm nghẽn là kết nối giao thông vận tải, đặc biệt là thiếu tuyến đường biển kết nối trực tiếp giữa hai nước.

Vì vậy, tuyến đường biển kết nối khu vực miền Trung Việt Nam và Kolkata, Ấn Độ do VIMC vận hành sẽ mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ấn Độ.

Với 16 cảng biển lớn trên khắp lãnh thổ Việt Nam như cảng Nghệ Tĩnh, cảng Đà Nẵng, cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn,…Các lĩnh vực kinh doanh chính của VIMC bao gồm vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) khẳng định, trong chiến lược phát triển của mình, VIMC đánh giá Ấn Độ là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

Trong thời gian qua, cước vận tải đường biển đã tăng cao khiến hoạt động vận tải của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do đó, để tìm kiếm hướng giải pháp cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, VIMC đã tích cực triển khai tìm kiếm, phân tích thị trường, kết nối, mở rộng các tuyến đường biển mới kết nối giữa Việt Nam và các khu vực trên thế giới trong đó có Ấn Độ.

Tháng 11/2021, VIMC đã thiết lập tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Hải Phòng – Malaysia – Ấn Độ để giảm tải áp lực vận chuyển hàng hóa và bình ổn nguồn cung vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Tiếp bước thành công này, từ tháng 5/2022 VIMC tiếp tục đưa tàu container 1000 teus vào Cửa Lò – Nghệ An vận chuyển hàng đi Ấn Độ. Đây là đường kết nối trực tiếp Việt Nam - Ấn Độ do đó giúp rút ngắn thời gian vận chuyển so với các tuyến đường hiện nay phải dừng ở các điểm trung chuyển (14-15 ngày so với 21-22 ngày so với các tuyến đường khác).

Bên cạnh đó, VIMC cũng đã nghiên cứu nhu cầu mở rộng tới cảng của Chittagong Bangladesh, mục tiêu mở trong tháng 8/2022.

Ông K.S. Rai, Giám đốc Công ty Three Bees Shipping tại Ấn Độ, cũng khẳng định, với tuyến đường biển mới này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với khu vực phía đông Ấn Độ với hơn 600 triệu dân.

Điều này mở ra cơ hội lớn trong hoạt động thương mại giữa hai nước. Three Bees Shipping cung cấp nhiều dịch vụ vận tải logistics, sẵn sàng kết nối để cung cấp và hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có khu cầu phát triển kinh doanh ở Ấn Độ.

Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Phạm Việt Chiến bày tỏ hy vọng tuyến đường này sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại Việt Nam – Bangladesh hiện còn rất nhiều tiềm năng, mang lại lợi ích cho các hãng tàu và doanh nghiệp hai nước.

Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh trong việc kết nối kinh doanh, chia sẻ các thông tin hữu ích và các cơ hội kinh doanh đầu tư giữa hai nước.

Ông Đỗ Trọng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam – Bangladesh, cho biết trong năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Bangladesh đã tăng 50% so với năm 2020.

Dự kiến, năm 2022 kim ngạch sẽ tăng 25% so với năm 2021 và đạt mức 1,5 tỷ USD (87% Việt Nam xuất sang Banglaesh, trong đó vật liệu xây dựng chiếm khoảng 20%). Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với quy mô thị trường Bangladesh (170 triệu dân), một phần là chưa có đường vận tải trực tiếp giữa hai nước.

“Tôi mong chờ chuyến tàu biển kết nối giữa Việt Nam và Bangladesh để các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại Bangladesh sẽ được sử dụng dịch vụ của VIMC với chi phí hợp lí và thời gian rút ngắn hơn, là đòn bẩy thương mại hai nước tăng tốc”, ông Đỗ Trọng hy vọng.

(Nguồn: vneconomy.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!