Trong 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu. Mặc dù là một nền kinh tế có độ mở lớn nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của TP.HCM vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng...
Một số trong những khó khăn đó, là cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu từ cuối tháng 02/2022, cùng với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thương mại toàn cầu.
NHIỀU NHÓM HÀNG CÓ GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU TĂNG CAO
Về xuất khẩu hàng hóa, báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, ước tính tháng 5/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 4.455,4 triệu USD, tăng 9,5% so với tháng trước; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 4.285,4 triệu USD, tăng 12,6%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng trong thành phố bao gồm cả dầu thô, trong tháng 5/2022 đạt 3.458,9 triệu USD, giảm 2,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 207,4 triệu USD, giảm 30,5%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.129,5 triệu USD, giảm 8,4%; khu vực kinh tế FDI đạt 2.122,0 triệu USD, tăng 4,9%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 20.706,2 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 19.837,2 triệu USD, tăng 7,3%.
Nếu tính tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng của Thành phố (gồm cả dầu thô), trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 17.703,1 triệu USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ.
Cụ thể, cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu qua cảng Thành phố trong 5 tháng đầu năm 2022 của doanh nghiệp TP.HCM, trừ dầu thô, như sau:
Nhóm hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đạt 1.904,2 triệu USD, tăng 22,0% so với cùng kỳ và chiếm 11,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, gạo có sản lượng xuất khẩu đạt 500,8 nghìn tấn với giá trị đạt cao nhất trong nhóm nông sản là 414,0 triệu USD; kế đến là cà phê trên 283 triệu USD và cao su trên 223 triệu USD.
Nhóm hàng thủy hải sản có giá trị xuất khẩu đạt 539,9 triệu USD, tăng 74,0% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 3,2%.
Nhóm hàng lâm sản có giá trị xuất khẩu đạt 323,1 triệu USD, tăng 3,0% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 1,9%.
Đặc biệt, nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt cao nhất với 12.613,6 triệu USD, tăng 11,0% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 74,9%. Đứng đầu trong nhóm hàng công nghiệp là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị xuất khẩu đạt 6.851,0 triệu USD, tăng 4,2%.
Kế đến là các nhóm: Dệt, may đạt 1.810,0 triệu USD, tăng 30,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác có giá trị xuất khẩu đạt 1.139,5 triệu USD, tăng 18,6%; giày dép đạt 1.013,5 triệu USD, tăng 8,6%. Nhóm hàng hóa khác có giá trị xuất khẩu đạt 1.453,3 triệu USD, giảm 57,9% so cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 8,7%.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của các doanh nghiệp TP.HCM vẫn là Trung Quốc. Ước tính kim ngạch xuất khẩu trong năm tháng đầu năm 2022 đạt 4.378,8 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ, chiếm 24,7% tỷ trọng xuất khẩu.
Đứng thứ hai trong danh sách này là Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2.993,7 triệu USD, tăng 5,7%, chiếm 16,9%. Thứ ba là thị trường Nhật Bản đạt 1.105,7 triệu USD. So với tháng trước thì tỷ trọng không đổi, chiếm 6,2%. Đứng thứ tư là thị trường Hồng Kông đạt 940,0 triệu USD, giảm 46,4%, chiếm 5,3%.
Với thị trường các nước Châu Âu và EU, giá trị xuất khẩu đạt 2.557,0 triệu USD, tăng 8,5%, chiếm tỷ trọng 14,4%.
GIA TĂNG NHẬP KHẨU ĐỂ PHỤC VỤ SẢN XUẤT
Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, trong tháng 5/2022, ước tính tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 6.010,0 triệu USD, tăng 4,1% so với tháng trước. Riêng tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP.HCM qua cảng Thành phố đạt 5.081,4 triệu USD, tăng 3,6% so với tháng 4/2022.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 28.446,5 triệu USD, tăng 11,6% so cùng kỳ.
Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp TP.HCM tháng 5/2022 đạt 10.465,4 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM đạt 49.152,7 triệu USD.
Qua các số liệu nêu trên, ghi nhận TP.HCM luôn dẫn đầu là địa phương nhập siêu: Tháng 5/2022 nhập siêu hơn 1,5 tỷ USD; 5 tháng đầu năm 2022 nhập siêu trên 7,7 tỷ USD.
Nhìn vào cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu sẽ dễ dàng nhận biết lý do nhập siêu của TP.HCM. Đây là đầu tàu, trung tâm kinh tế cả nước, tăng trưởng kinh tế khá ổn định với tốc độ thường cao gấp 1,5 lần bình quân cả nước, đóng góp 22% trong tổng GDP và 28% ngân sách cả nước.
Cơ cấu nhóm hàng hóa nhập khẩu qua cảng của Thành phố trong 5 tháng đầu năm 2022, bao gồm: Cao nhất là nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 11.928,7 triệu USD, tăng 11,8%, chiếm tỷ trọng 50,9%. Kế đến là nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu đạt 8.308,8 triệu USD, tăng 14,0% so cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 35,4%.
Nhóm hàng tiêu dùng đạt 1.159,2 triệu USD, tăng 47,1%, chiếm 4,9%; nhóm hàng hóa khác đạt 2.061,0 triệu USD, giảm 6,2% và chiếm 8,8%.
Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; sắt thép và chất dẻo nguyên liệu,…
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực và khởi sắc, lao động tại các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất đã trở lại làm việc bình thường; hoạt động thương mại, ăn uống nhộn nhịp. Đạt được kết quả này đạt được nhờ TP.HCM đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, người lao động trở lại làm việc; đặc biệt việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
(Nguồn: vneconomy.vn)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!