Xuất, nhập siêu có vai trò quan trọng về nhiều mặt. Đối với Việt Nam hiện nay, cần tăng nhanh xuất siêu hàng hóa, giảm nhanh nhập siêu về dịch vụ. Vấn đề là tại sao và làm thế nào?
Cầu nối giữa các “đỉnh” của tứ giác mục tiêu
Giữa xuất siêu hàng hóa và nhập siêu dịch vụ, mối quan hệ xuất phát từ hai góc độ.
Ở góc độ thứ nhất, xuất phát từ vị trí của xuất, nhập siêu. Trong “tứ giác mục tiêu” (tăng trưởng kinh tế nhanh, lạm phát thấp, thất nghiệp ít, cán cân thanh toán có số dư), tuy chỉ đứng thứ 3, nhưng xuất, nhập siêu lại có vai trò tổng hợp, có quan hệ chặt chẽ và là cầu nối giữa các “đỉnh” của tứ giác, giữa nhân và quả.
Tăng trưởng nhanh đưa đến xuất siêu, tăng trưởng chậm thì dẫn đến nhập siêu. Ngược lại, xuất siêu sẽ là tiền đề của tăng trưởng nhanh, vì tăng thị phần tiêu thụ cho sản xuất trong nước; nhập siêu là hậu quả của tăng trưởng chậm, vì giành mất một phần thị phần tiêu thụ của sản xuất trong nước.
Lạm phát thấp đưa đến giá cả sản xuất ở trong nước thấp, làm tăng sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước khi cùng xuất khẩu với cùng một thị trường và với hàng của nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Xuất siêu sẽ góp phần hạn chế “nhập khẩu lạm phát”. Ngược lại, nhập siêu sẽ làm gia tăng “nhập khẩu lạm phát” khi giá cả thế giới tăng.
Thất nghiệp ít có nghĩa là ở trong nước công ăn việc làm tăng, làm tăng sản xuất trong nước để xuất khẩu và ngăn chặn hàng nhập khẩu. Ngược lại, nhập siêu sẽ làm giảm sản xuất ở trong nước, làm giảm công ăn việc làm, gây áp lực làm tăng thất nghiệp.
Những điều đề cập ở trên xuất phát từ công thức tổng quát: Sản xuất trong nước (GDP) = Tích lũy tài sản + Tiêu dùng cuối cùng ± Xuất, nhập siêu (nếu xuất siêu thì cộng, nhập siêu thì trừ).
Ở góc độ thứ hai, xuất, nhập siêu bao gồm xuất, nhập siêu hàng hóa và xuất, nhập siêu dịch vụ. Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, những nước đang phát triển thường xuất siêu về hàng hóa do có lực lượng lao động đông, có giá cả sức lao động rẻ, thiếu ngoại tệ mạnh, trong khi hệ số giữa tỷ giá sức mua tương đương/tỷ giá hối đoái lớn,..., nhưng lại nhập siêu lớn về dịch vụ do nguồn lực tài chính yếu kém,... Trong khi đó, những nước phát triển thường nhập siêu về hàng hóa (để hưởng giá cả rẻ, ít bị ảnh hưởng môi trường,...), thường xuất siêu về dịch vụ do có nguồn tài chính dồi dào, có đồng tiền có giá trị cao, có khoa học - công nghệ hiện đại,...
Năm 2022, mục tiêu của Việt Nam là tăng trưởng GDP cao hơn gấp đôi tốc độ tăng của năm trước, lạm phát khoảng 4%, cao hơn không nhiều so với năm trước, tỷ lệ thất nghiệp có thể còn giảm nếu sản xuất, đời sống được phục hồi,... Tuy nhiên các mục tiêu đó sẽ không đạt nếu hàng hóa chuyển sang nhập siêu hoặc xuất siêu không cao hơn, nếu nhập siêu dịch vụ không giảm hoặc cao hơn. Vì vậy, đối với Việt Nam phải tăng xuất siêu về hàng hóa, giảm nhập siêu về dịch vụ.
Làm thế nào để đạt mục tiêu?
Đối với hàng hóa, Việt Nam hiện có một số lợi thế. Việt Nam đang có giá lao động rẻ (khi chênh lệch tỷ giá sức mua tương đương/tỷ giá hối đoái đang ở mức trên 3 lần). Tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước có xu hướng cao lên nhờ phát huy lợi thế về một số mặt hàng trong nước.
Cùng với đó, Việt Nam xuất khẩu tăng cao vào các thị trường như Mỹ, Bỉ, Canada, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, trong đó có những thị trường nằm trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với các ưu đãi về thuế suất,...
Tuy nhiên, bước sang 2 tháng năm 2022, xuất khẩu sang một số thị trường bị giảm, trong đó đáng kể là Trung Quốc, Anh, Áo, Đài Loan, Hồng Kông, Thụy Điển,... Trong khi đó, giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao, như than, phân bón, dầu thô, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, sắt thép, kim loại thường khác, giấy,...
Nhập khẩu ở một số thị trường có mức tăng rất cao, như Argentina, Ấn Độ, Campuchia, Kuwait, Đài Loan, Hàn Quốc, Australia, đặc biệt là Trung Quốc. Một số thị trường mới qua 2 tháng Việt Nam đã nhập siêu lớn, trong đó lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Để tăng trưởng xuất siêu hàng hóa, một mặt cần mở rộng thị trường, tranh thủ các FTA, cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch và chính ngạch với Trung Quốc, đồng thời cũng không nên “bỏ trứng vào một giỏ” đối với thị trường này; khẩn trương xây dựng thương hiệu để bán thẳng, hạn chế bán qua trung gian,...; kiểm soát nhập khẩu ở các thị trường Việt Nam nhập siêu lớn, nhất là các thị trường mà thiết bị không phải là công nghệ nguồn.
Về lâu dài, cần chú ý 4 điểm: giảm thiểu xuất khẩu thô hoặc chưa qua tinh chế; tăng mạnh hơn công nghiệp hỗ trợ; giảm thiểu tính gia công, lắp ráp ngay cả với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); đẩy mạnh sự lan tỏa, liên thông giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn FDI để vừa liên kết, tranh thủ công nghệ cao hơn, giảm nhập siêu của khu vực có vốn FDI,….
Đối với dịch vụ, tuy nhóm ngành này sớm được phát triển, hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP (39,27%), nhưng xuất khẩu dịch vụ chỉ chiếm 2,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, trong khi nhập khẩu dịch vụ chiếm 5,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Nhập siêu dịch vụ lớn nhất là dịch vụ vận tải năm 2021 lên tới trên 9,54 tỷ USD, cao gấp 1,8 lần năm trước (do sự yếu kém của vận tải ngoài nước của Việt Nam); năm 2021 lại thêm nhập siêu lớn về dịch vụ du lịch (lên tới gần 3,5 tỷ USD, cao gấp trên 2,5 lần năm trước). Năm 2022, khả năng xuất khẩu dịch vụ du lịch sẽ tăng nhờ mở cửa đón khách quốc tế (với mục tiêu 5 triệu lượt người, cao gấp gần 32 lần năm trước) nên nhập siêu về dịch vụ sẽ giảm so với năm trước.
Tuy nhiên, để giảm mạnh hơn nữa, Việt Nam cần phải đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ vận tải trên cơ sở đẩy mạnh vận tải ngoài nước, nhất là vận tải biển đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Đồng thời mở cửa tốt hơn đối với xuất khẩu dịch vụ du lịch, kiểm soát tốt hơn việc nhập khẩu dịch vụ du lịch. Ngoài ra, cần chấn chỉnh các khâu đón khách quốc tế sau thời gian ngành này bị khủng hoảng do đại dịch, nhất là các khâu ăn nghỉ, vận tải, y tế, vé thăm quan, mua sắm của khách,...
(Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!