Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm đánh giá, mối quan hệ giữa Việt Nam - Ấn Độ luôn được Chính phủ hai nước quan tâm và củng cố không ngừng trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, giai đoạn hậu Covid-19 là giai đoạn “vàng” để Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư, kết nối chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản xuất.

Về quan hệ thương mại, theo ông Trần Ngọc Liêm, Ấn Độ đang nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia quan trọng trong “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ, điều này được thể hiện qua sự hợp tác đa chiều giữa hai nước trong những năm gần đây.

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ năm 2021 đạt 13,24 tỷ USD tăng 36,95 % so với năm 2020. Trong đó, Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam 6,96 tỷ USD (tăng 2,53 tỷ USD tương đương 57% so với năm 2020), Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ 6,28 tỷ USD (tăng 1 tỷ USD tương đương 19,97% so với năm 2020). Cán cân thương mại Việt Nam - Ấn Độ đổi chiều từ xuất siêu 800 triệu USD (năm 2020) sang nhập siêu 683 triệu USD (năm 2021).

“Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ấn Độ gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; cao su; giày dép; hàng dệt may; hạt tiêu; mây tre lá; hạt điều; cà phê; gỗ và sản phẩm gỗ; … Ở chiều ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ sang Việt Nam gồm: sắt thép; ngô; bông; thủy sản; đá quý; thức ăn gia súc; dược phẩm; xơ sợi dệt; …”, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm thông tin.

Cũng theo ông Trần Ngọc Liêm, hai nước đặt ra mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ đạt mức 15 tỷ USD trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Liêm cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ nhau như: khai khoáng, hoá chất, dệt may, da giày, năng lượng, y tế - dược phẩm, công nghiệp phụ trợ, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp và công nghệ thông tin.

Về quan hệ đầu tư, Giám đốc VCCI Trần Ngọc Liêm cho biết, tính đến 20/8/2022, Ấn Độ đứng thứ 24 trên 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 336 dự án, tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào khai thác dầu khí, chế biến khoáng sản, công nghệ thông tin, nông sản, …

“Sau hơn 2 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, ngày hôm nay doanh nghiệp 2 nước lại có cơ hội tiếp xúc trao đổi trực tiếp với nhau. Tôi hy vọng, Diễn đàn thương mại hôm nay sẽ cung cấp cho quý vị những thông tin hữu ích  về môi trường đầu tư và những chính sách phát triển quan hệ kinh tế, thương mại của hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Bên cạnh đó, phiên kết nối doanh nghiệp B2B sẽ mang lại nhiều cơ hội tìm kiếm đối tác mới và tăng cường mối quan hệ kinh doanh cho doanh nghiệp hai bên  trong thời gian tới”, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm phát biểu.

Theo ông Rajive Kaul, nguyên Chủ tịch Liên đoàn ngành Công nghiệp Ấn Độ (CII), hai nước Việt Nam và Ấn Độ đề có một lực lượng lao động trẻ, có tay nghề cao và có khao khát kinh doanh. Từ rất lâu, Ấn Độ đã hợp tác kinh doanh với nhiều quốc gia lớn trên thế giới như: Anh, Mỹ, Đức và châu Âu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Ấn Độ có chính sách hướng Đông và Việt Nam là một lựa chọn không thể thiếu trong chính sách này.

“Do đó, hôm nay chúng ta có mặt tại đây để giao lưu, tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước. Có một điều mà chúng tôi chưa thực sự hài lòng là đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ vào Việt Nam chỉ mới đạt 1,3 tỷ USD và Việt Nam đầu tư sang Ấn Độ cũng chỉ mới đạt 0,9 tỷ USD. Đây là những con số khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ của hai nước. Tôi hy vọng rằng, con số này sẽ tăng lên trong thời gian tới”, ông Rajive Kaul chia sẻ.

(Nguồn: diendandoanhnghiep.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!