Các ngân hàng trung ương đã đánh giá sai về lạm phát, nhưng khi nhận ra điều này, họ vẫn tiếp tục gây mơ hồ về chính sách.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được kỳ vọng nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (0,75%) trong hôm nay, chỉ vài tuần sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell và các cộng sự nhắc đi nhắc lại về khả năng nâng thêm 50 điểm cơ bản. Năm ngoái, theo Bloomberg, họ phớt lờ lạm phát cao, vì cho rằng kinh tế đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Fed giữ nguyên các chính sách khẩn cấp và hy vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt.

Tuy nhiên, lạm phát sau đó kéo dài và lan ra rộng hơn dự kiến, một phần vì gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 và hiện tại là do chiến sự Ukraine. Lạm phát tháng 5 của Mỹ là 8,6% - cao nhất 40 năm. 

Ở châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde gần đây chuyển sang quan điểm thắt chặt nhiều hơn so với trước. Ngân hàng Trung ương Australia cũng nằm trong nhóm tăng lãi suất mạnh hơn tín hiệu mà họ tung ra.

Các ngân hàng trung ương nhận ra họ đã đánh giá sai về lạm phát, nhưng kể cả đến lúc này, họ vẫn tiếp tục gây mơ hồ về chính sách. Việc này có thể đe dọa uy tín của họ, làm xáo trộn các thị trường và kéo tụt đà phục hồi trong đại dịch.

Nhà đầu tư lo ngại cuộc đua bù đắp sai lầm trong quá khứ có thể kéo các nền kinh tế vào suy thoái. Nhiều thị trường chứng khoán đã rơi vào vùng giá xuống, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đầu tuần này tăng mạnh nhất gần 40 năm. Các thị trường tín dụng cũng đang cho thấy dấu hiệu căng thẳng.

"Các ngân hàng trung ương đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan", Sayuri Shirai - cựu lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết, "Để lấy lại niềm tin của người dân, họ cần tăng lãi suất đủ để hạ nhiệt lạm phát. Nhưng điều đó có thể kéo tụt đà phục hồi kinh tế".

Nếu các hộ gia đình và doanh nghiệp tin tưởng ngân hàng trung ương kiềm chế thành công lạm phát, áp lực giá sẽ dần đi xuống. Theo đó, các gia đình có thể kìm hãm chi tiêu để chờ giá giảm. Người lao động cũng sẽ giảm mức bù đắp chi phí sống khi đàm phán lương.

Đến gần đây, các nhà hoạch định chính sách mới nhấn mạnh lạm phát trong dài hạn được kiểm soát. Đây sẽ là phép thử cho uy tín của họ. Chủ tịch Fed Chicao Charles Evans hồi tháng 3 cũng cho biết lạm phát hiện tại không giống thập niên 80, do "chính sách nới lỏng tiền tệ quá mức" hồi thập niên 60 và 70 khiến dự báo lạm phát dài hạn lên cao.

Fed, ECB và các ngân hàng trung ương khác không có lỗi khi không dự báo được giá tăng vọt do xung đột tại Ukraine, hay thách thức với chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng việc liên tục mở rộng bảng cân đối kế toán trong năm 2021 và giữ lãi suất gần 0% ngay cả khi lạm phát tăng tốc và các nền kinh tế hồi phục trong đại dịch đã châm ngòi cho biến động hiện tại.

"Tôi cho rằng điều này đã giáng đòn mạnh vào uy tín của các ngân hàng trung ương. Nhà đầu tư nhận ra rằng lạm phát lần này là "nhân tạo" và các ngân hàng trung ương đóng vai trò chủ chốt", Stephen Jen - người đứng đầu quỹ đầu tư mạo hiểm Eurizon SLJ Capital tại London (Anh) nhận định.

Đến tháng 11/2021, Powell mới không dùng từ "chuyển tiếp" khi nói đến lạm phát nữa. Tháng trước, ông thừa nhận "lẽ ra nên nâng lãi suất sớm hơn". Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cũng chỉ trích dự báo lạm phát của Fed hồi tháng 3 là "hoang tưởng", với 4,3% cho năm nay.

Mỹ không phải nước duy nhất gặp thách thức về uy tín. Bà Lagarde và các cộng sự cũng chuẩn bị nâng lãi suất thêm 0,25% tháng tới và 0,5% tháng 9. Tháng 12 năm ngoái, bà còn tuyên bố việc thắt chặt tiền tệ năm nay là không thể.

"Tất cả tổ chức quốc tế, các nhà dự báo tên tuổi thực sự đều mắc sai lầm như nhau", là đánh giá thấp cuộc khủng hoảng hiện tại, bà cho biết tuần trước.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Australia Philip Lowe tháng trước nói rằng ông "thấy xấu hổ" với các dự báo trước đây rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp kỷ lục cho đến năm 2024.

Tại các nước mới nổi, bức tranh cũng trái chiều. Một số quốc gia, như Brazil, đang tăng lãi suất nhanh hơn cả các nước phát triển. Trong khi đó, Trung Quốc lại tập trung nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc.

Còn ở Ấn Độ, ngân hàng trung ương hồi tháng 4 còn phớt lờ gợi ý tăng lãi, thì sau đó đã tăng 2 tháng liên tục. Tuy nhiên, lạm phát tại đây hiện vẫn nằm ngoài giới hạn chấp nhận được của họ.

Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy niềm tin của người dân đang đi xuống. Khảo sát hồi tháng 5 của Gallup cho thấy chỉ 43% người được hỏi tin rằng Powell đang làm điều đúng đắn cho kinh tế Mỹ. Con số này thấp hơn khá nhiều so với 74% dành cho Alan Greenspan đầu những năm 2000.

Còn tại Nhật Bản, tỷ lệ ủng hộ Thống đốc Haruhiko Kuroda cũng giảm khi ông nói rằng người tiêu dùng đang dần chấp nhận giá tăng. Một khảo sát đầu tuần này trên Kyodo News cho thấy 59% người bỏ phiếu cho rằng ông không phù hợp với vị trí này.

Nhà đầu tư kỳ cựu Stanley Druckenmiller (Mỹ) tháng này cảnh báo nhà đầu tư khó tránh việc mất tiền, do các chính sách của ngân hàng trung ương cách đây một năm hoàn toàn không phù hợp. "Nếu anh nói nền kinh tế sẽ hạ cánh cứng, đó là đi ngược lại hàng chục năm lịch sử đấy", Druckenmiller kết luận.

(Nguồn: Bloomberg) 

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!