Trong tháng 2/2022, Việt Nam ước tính nhập siêu 2,33 tỷ USD. Con số nhập siêu trong 2 tháng đầu năm là 937 triệu USD. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất nên nhập siêu thậm chí đáng mừng hơn đáng lo.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 25,28 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm với kim ngạch ước đạt 19,7 tỷ USD, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD (xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 7,18 tỷ USD).

Về cán cân thương mại, riêng trong tháng 2/2022, Việt Nam ước tính nhập siêu 2,33 tỷ USD. Con số nhập siêu trong 2 tháng đầu năm là 937 triệu USD (trong khi đó cùng kỳ năm trước Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,02 tỷ USD.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan về vấn đề nhập siêu 2 tháng qua, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, điều này không đáng lo, thậm chí còn đáng mừng hơn.

Lý do là bởi, 93,8% tổng trị giá nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay là nhập khẩu tư liệu sản xuất, nguyên vật liệu. Điều này phản ánh chuỗi cung ứng về nguyên vật liệu và các yếu tố đầu vào của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã bắt đầu khôi phục.

Trên thực tế, nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam như dệt may, da giày… đã có sự phục hồi đơn hàng rõ rệt trong năm nay nên việc gia tăng nhập khẩu nguồn nguyên phục vụ sản xuất là điều đương nhiên. Nhập siêu của Việt Nam là nhập siêu để phục vụ sản xuất.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho biết, nhịp độ sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp da giày ở khu vực phía Nam từ đầu năm đến nay khá tốt.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu ít nhất đến hết quý 2/2022. Đây là cơ sở tốt cho các doanh nghiệp đẩy nhanh sản xuất, lấy lại tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Với mức nhập siêu như 2 tháng đầu năm, dễ thấy những tháng tiếp theo, thậm chí quý tiếp theo Việt Nam có đủ nguyên liệu để sản xuất. Đó là điều đáng mừng, tạo ra những điều kiện thuận lợi mở rộng xuất khẩu hàng hoá. Chắc chắn sau đó Việt Nam sẽ quay trở lại xuất siêu”, ông Phạm Tất Thắng nhận định.

Từ trước đến nay, Việt Nam là quốc gia đang phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp nên phải nhập khẩu nhiều linh phụ kiện, nguyên phụ liệu.

“Bởi vậy, nhập khẩu vượt xuất khẩu một chút không phải vấn đề lớn”, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) không ít lần nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan về vấn đề nhập siêu ở những thời điểm nhất định trong năm.

Trong hoạt động quản lý xuất nhập khẩu thời gian tới, Bộ Công Thương xác định sẽ đổi mới công tác thông tin thị trường, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kịp thời thông tin về thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu, những điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật và các rủi ro của thị trường.

Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; tận dụng và triển khai thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hiệu quả.

“Bộ Công Thương kiến nghị các bộ, ngành thực thi tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, ổn định tiền tệ, lãi suất, đáp ứng nguồn lao động,... cho phục hồi sản xuất, thúc đẩy thương mại”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

(Nguồn: haiquanonline.com.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!