Trung Quốc thiết lập các biện pháp kiểm soát chống dịch Covid-19 tại một số thành phố lớn nhất, gây tổn hại cho nền kinh tế nước này, tạo thành nguy cơ lớn đối với lạm phát toàn cầu.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, thế giới đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa Trung Quốc. Thị phần xuất khẩu của nước này đã tăng mạnh trong hai năm qua, tăng lên 15,4% năm 2021, mức cao nhất kể từ 2012. Điều này do trong lúc thế giới đang phải vật lộn để ngăn chặn Covid-19 thì Trung Quốc đã kiểm soát được phần nào dịch bệnh và tiếp tục sản xuất.

Tuy nhiên, trong vài tuần qua, Trung Quốc lại phải đối mặt với làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất trong vòng hai năm vừa qua. Các chính sách “Zero – Covid” mới thậm chí còn nghiêm ngặt hơn năm 2020, các quy định kiểm soát dịch mới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trung tâm kinh tế lớn như Thượng Hải.

Mặc dù Thượng Hải cũng nới lỏng các quy tắc hạn chế sau khi bị người dân phản ảnh, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp, nhà máy và trường học ở đây vẫn phải đóng cửa. Thượng Hải hoàn toàn bị cắt đứt với Quảng Châu, trung tâm công nghiệp với 19 triệu dân gần Hồng Kông.

Nông nghiệp bị hạn chế, nông dân không thể ra đồng bắt đầu vụ mùa xuân này, đe dọa nguồn lương thực nội địa của 1,4 tỷ người Trung Quốc. Điều này có thể thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu lúa mì và các loại thực phẩm khác, đẩy giá thị trường toàn cầu vốn đã cao nay lại càng cao.

So với trước đại dịch, chi phí container xuất khẩu tại Thượng Hải cao gấp 5 lần và giá cước vận chuyển đường hàng không cao gấp đôi, thời gian giao hàng của các nhà cung cấp cũng căng thẳng hơn. Ông Jay Huang, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu đầu tư Bernstein cho biết lạm phát xuất khẩu sẽ tăng cao, đặc biệt ảnh hưởng các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, đồng thời làm trì hoãn sự phục hồi nhu cầu của chính nước này.

Trung Quốc là nhà sản xuất quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô thế giới. Ảnh: Visual China

Theo ước tính của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, khối lượng hàng hóa tại cảng Thượng Hải đã giảm 40%. Chuỗi cung ứng tại Trung Quốc bị gián đoạn, công ty sản xuất ô tô điện Nio của nước này đã thông báo ngừng sản xuất vào cuối tuần qua, sau đó lại tiếp tục nối lại hoạt động sản xuất vào thứ Năm (14/4). Trong khi đó, các nhà máy sản xuất ô tô Đức, Volkswagen ở ngoại ô Thượng Hải và Cát Lâm vẫn đóng cửa.

Theo phân tích của Bernstein, Trung Quốc là nhà cung cấp phần lớn các mặt hàng trên thế giới như container, tàu thủy, đất hiếm, mô đun năng lượng mặt trời và số lượng lớn điện thoại di động, PC. Đặc biệt, các nhà máy Trung Quốc không chỉ hoàn thành khâu lắp ráp cuối cùng cho các sản phẩm điện tử, mà còn sản xuất các linh kiện có sức tăng trưởng nhanh như tấm nền LCD và mạch tích hợp.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng xe điện. Nước này chiếm khoảng 74% sản lượng pin toàn cầu. Do sự gián đoạn sản xuất năm 2020 khi Vũ Hán phải phong tỏa, một số nhà sản xuất ô tô của Hàn Quốc và Nhật bản buộc phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu sản xuất.

Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới và bắt đầu thúc đẩy phát triển và mua xe điện trong vài năm gần đây, chủ yếu được chính phủ nước này hậu thuẫn. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài bị thu hút bởi thị trường này, và bắt đầu thâm nhập vào thị trường xe điện Trung Quốc vào vài năm trước.

Thượng Hải, Tô Châu, Thái Nguyên, Thâm Quyến và Quảng Châu đều là các thành phố kinh tế của Trung Quốc, nay lại phải đóng cửa im lìm, hạn chế hàng chục triệu dân ra khỏi nhà. Được biết, số các ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc vẫn đang tăng cao, lên hơn 26.330 ca chỉ trong một ngày, trong đó khoảng 3.000 người không có triệu chứng.
(Nguồn: kinhtedothi.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!