Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn từ làn sóng trừng phạt của phương Tây, Nga có thể đạt doanh thu kỷ lục hơn 320 tỷ USD từ xuất khẩu dầu và khí đốt trong năm 2022.

Nga có thể đạt doanh thu kỷ lục từ dầu khí. Ảnh minh họa.

Nga đang có nguồn thu lớn từ dầu và khí đốt và có thể sẽ có một năm kỷ lục về doanh thu. Trong bối cảnh nền kinh tế Nga dự báo sẽ suy giảm 10% trong năm nay thì nguồn thu này sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt.

Theo Bloomberg, bất chấp những khó khăn mà người tiêu dùng trong nước phải đối mặt và sự ngăn chặn tài chính đối với Chính phủ từ nước ngoài, Nga vẫn kiếm được gần 321 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay, tăng hơn 1/3 so với năm 2021.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga vào năm 2022 có thể đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD. Ước tính của Ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs khiêm tốn hơn 205 tỷ USD.

Các chuyên gia cho rằng, Nga có thể đạt doanh thu kỷ lục từ việc bán khí đốt do giá trên thị trường giao ngay tăng đáng kể. Nhờ điều này Moskva sẽ bù đắp lạm phát gia tăng.

Các nhà phân tích của công ty dự báo kinh tế vĩ mô TS Lombard London nhận định, sự kết hợp giữa đồng Ruble mất giá mạnh và giá dầu tăng theo USD sẽ mang lại thêm 103 tỷ USD cho ngân sách Nga. Một "bảng cân đối kế toán lành mạnh" sẽ giúp Chính phủ Nga duy trì chi tiêu công trong trường hợp không có khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Theo ông Igor Yushkov - chuyên gia hàng đầu của Đại học Tài chính và Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia, ngay cả khi tính đến thực tế là Nga xuất khẩu một phần khối lượng dầu Urals với mức chiết khấu đáng kể, giảm khoảng 20 - 30% so với Brent, tức giao dịch ở mức 70 - 80 USD mỗi thùng, mức giá này vẫn còn cao và mang lại cho ngân sách nhiều tiền hơn dự kiến.

Khí đốt mang lại lợi nhuận nhiều hơn vì giá khí đốt đã tăng trong suốt năm 2021 và cùng với đó là thu nhập của Gazprom. Chỉ riêng trong tháng 1/2022, Gazprom đã bán được hơn 9,5 tỷ USD khí đốt và doanh thu sẽ chỉ tăng lên.

Giới chuyên gia nhận định, dòng tiền vẫn chảy vào Nga ngay cả khi các lệnh trừng phạt được duy trì. Lệnh cấm vận của phương Tây đối với năng lượng Nga có thể làm thay đổi tình hình. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều sẵn sàng thực hiện bước đi này.

(Nguồn: vtv.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!