Đường ống Nord Stream 1 vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức sẽ được bảo trì theo kế hoạch từ 11/7, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu thời gian ngừng hoạt động kéo dài.
Ukraine cũng đã ngừng một tuyến đường vận chuyển khí đốt đến châu Âu vào tháng 5 do xung đột với Nga, và một số quốc gia châu Âu bị cắt nguồn cung khí đốt của Nga sau khi không tuân thủ cơ chế thanh toán mới.
Những con đường chính cho khí đốt của Nga đến Châu Âu
Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên cho châu Âu, chủ yếu bằng đường ống. Lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu vào năm ngoái là khoảng 155 tỷ mét khối.
Hành lang trung chuyển qua Ukraine chủ yếu đưa khí đốt đến Áo, Italia, Slovakia và các quốc gia Đông Âu khác. Ukraine đã đóng cửa đường ống trung chuyển Sokhranovka chạy qua lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở phía đông nước này.
Các tuyến đường thay thế đến châu Âu không đi qua Ukraine bao gồm đường ống Yamal-Europe, đi qua Belarus và Ba Lan đến Đức, và Nord Stream 1, chạy dưới Biển Baltic đến Đức.
Lựa chọn năng lượng thay thế cho Châu Âu
Một số quốc gia có các lựa chọn thay thế và mạng lưới khí đốt của khu vực được kết nối với nhau, vì vậy nguồn cung cấp có thể được chia sẻ dù thị trường khí đốt toàn cầu thắt chặt ngay cả trước xung đột Ukraine.
Đức đã ngừng chứng nhận đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 mới từ Nga vì xung đột Ukraine, có thể nhập khẩu khí đốt từ Anh, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan thông qua các đường ống.
Na Uy đã và đang đẩy mạnh sản xuất để giúp Liên minh châu Âu hướng tới mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.
Tập đoàn Centrica của Anh đã ký một thỏa thuận với Equinor của Na Uy để cung cấp thêm khí đốt cho Anh trong ba mùa đông tới.
Nam Âu có thể nhận khí đốt của Azeri qua Đường ống xuyên biển Adriatic tới Ý và Đường ống dẫn khí tự nhiên xuyên Anatolian (TANAP) qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ cho biết họ có thể cung cấp 15 mét khối khí tự nhiên hóa lỏng cho Liên minh châu Âu trong năm nay.
Các nhà máy sản xuất khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) của Mỹ đang sản xuất hết công suất, nhưng vụ nổ vào tháng trước tại một nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng lớn nhất ở Texas khiến nhà máy tê liệt hoạt động cho đến tháng 9 và sẽ chỉ vận hành lại một phần từ tháng 9 đến cuối năm 2022.
Các cảng LNG của Châu Âu cũng chỉ có công suất hạn chế để tăng nhập khẩu, mặc dù một số quốc gia cho biết đang tìm cách mở rộng nhập khẩu và lưu kho.
Đức là một trong những quốc gia muốn xây dựng các cảng LNG mới và lên kế hoạch xây dựng hai cảng chỉ trong hai năm.
Ba Lan - quốc gia nhập khoảng 50% lượng khí đốt tiêu thụ trong nước từ Nga (khoảng 10 tỷ m3) - cho biết có thể cung cấp khí đốt thông qua đường ống với Đức. Vào tháng 10, một đường ống với công suất 10 tỷ mét khối khí mỗi năm giữa Ba Lan và Na Uy sẽ được khai trương.
(Nguồn: kinhtedothi.vn)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!