Tỉnh Quảng Nam sẽ nỗ lực thiết lập quan hệ hợp tác bền vững giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành Cơ khí, ôtô trên địa bàn cùng tham gia vào chuỗi sản xuất. Trong đó, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) là đơn vị tiên phong, quy mô lớn nhất cả nước trong phát triển ngành công nghiệp ôtô, từng bước chuyển thành ngành Công nghiệp cơ khí đa dụng tại Chu Lai, Quảng Nam.
Máy cắt laser thép ống, thép hộp ở nhà máy của THACO
Đó là khẳng định của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp trực tuyến về phát triển ngành Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh vừa qua.
Quảng Nam là địa phương có rất nhiều lợi thế, hướng đi mang tính bền vững và toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tạo cơ hội tốt cho các ngành có tiềm năng phát triển, như cơ khí, ô tô, du lịch, dệt may, khí điện, các ngành công nghiệp phụ trợ... Những năm qua, Quảng Nam cũng đã tạo sự phát triển hiệu quả các dự án trọng điểm về đô thị, công nghiệp, du lịch ở Khu kinh tế mở Chu Lai, ở phía Bắc Quảng Nam (Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc...), các nhà đầu tư nhìn thấy Quảng Nam là vùng đất có tiềm năng phát triển lâu dài.
Với mong muốn trung tâm công nghiệp Chu Lai là một trong những trung tâm được khẳng định thương hiệu toàn cầu chứ không chỉ đơn giản là một khu liên hợp lắp ráp, sản xuất ô tô, cơ khí đa dụng như hiện nay, tỉnh Quảng Nam sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác bền vững giữa các doanh nghiệp vừa, nhỏ, sản xuất trong cụm ngành Cơ khí, hỗ trợ, liên kết lại cùng tham gia vào chuỗi sản xuất này. Từ đó, thành lập nên một hệ sinh thái phát triển ngành Cơ khí, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, trong đó, THACO được xác định là đầu tàu, các doanh nghiệp khác sẽ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Một thông điệp rõ ràng với các doanh nghiệp về chiến lược, tầm nhìn, quan hệ hợp tác mới để định hướng phát triển trong tương lai, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu ngành Cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ô tô, khẳng định quyết tâm của Quảng Nam đối với sự phát triển của ngành Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.
Đối với THACO, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên nền tảng cơ khí chế tạo là định hướng chiến lược nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ, tạo tiền đề để phát triển các lĩnh vực kinh tế khác, qua đó, thực hiện chiến lược nội địa hóa, tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sau 16 năm đầu tư tại Chu Lai, THACO đã hình thành Tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí phục vụ sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng, đồng thời thực hiện gia công cho các khách hàng như Doosan Vina, General Electric (GE), Makitech (Nhật Bản), Agata, Three Stars và các công ty đến đầu tư tại Chu Lai.
Để thực hiện chiến lược mở rộng sản xuất cơ khí, bên cạnh các nhà máy, công ty hiện hữu là Tổ hợp Cơ khí, thì liên doanh, liên kết là giải pháp chiến lược của THACO để mở rộng sang các lĩnh vực cơ khí mới, cụ thể là cơ khí nông - lâm nghiệp, cơ khí xây dựng, cơ khí công trình giao thông, cơ khí thiết bị công nghiệp…
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO cho biết, chiến lược của THACO trong giai đoạn mới là sự hợp tác, hình thành một hệ sinh thái. Trong phát triển đa ngành của THACO, Chu Lai là một căn cứ mà gần như có đủ tất cả ngành nghề.
Một trong những nhiệm vụ của tập đoàn là thông qua ô tô để phát triển ngành cơ khí, trung tâm cơ khí đa dụng của Quảng Nam và miền Trung. Hiện nay, những công ty cơ khí của THACO tại Chu Lai là cơ sở cơ khí đầy đủ nhất về thiết bị máy móc và lực lượng kỹ sư, công nhân lành nghề lớn nhất nước.
Xác định THACO là đầu tàu thành lập nên một hệ sinh thái phát triển ngành Cơ khí, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của Việt Nam sẽ được tiến hành thực hiện ngay tại Chu Lai, đây là một trong những mô hình rất mới mà Việt Nam từ trước đến nay chưa bao giờ làm. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, ở nước ta để hình thành một mô hình mà tập đoàn lớn tạo dựng giá trị thông qua chuỗi liên kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác tham gia cùng tổ chức sản xuất thì chưa có; mong các doanh nghiệp sẽ mở ra hướng làm ăn mới ổn định, bền vững hơn. Trong thời điểm khó khăn này, có một tập đoàn đứng ra tiên phong thực hiện thì đây là một cơ hội, cùng nhau bắt tay làm, tin chắc sẽ thành công.
Ông Kiều Huỳnh Sơn - Phó chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, những thông tin mở ra một tầm nhìn mới cho ngành Cơ khí nước ta. Trước giờ, chúng tôi loay hoay với mô hình nhỏ lẻ, không có sự chuyên nghiệp, không thể bứt phá được. Mong rằng, sự quyết tâm của tỉnh Quảng Nam và đầu tàu là THACO thì sắp tới ngành Cơ khí có sự phát triển. Chúng tôi mong được tham gia chuỗi doanh nghiệp vệ tinh và hệ sinh thái của THACO và khu công nghiệp Chu Lai.
Dự báo nhu cầu gia công cơ khí trong nước và quốc tế hiện rất lớn, riêng gia công cơ khí năm 2021 đã tăng gấp đôi, nhất là xuất khẩu. Sang năm 2022, xuất khẩu về cơ khí có thể đạt 200 triệu USD. Đó là lý do THACO đầu tư phát triển lớn hơn, đầu tư sắp tới ước tính là 2.000 tỷ đồng trong năm 2022 để phát triển tổ hợp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trở thành Trung tâm cơ khí đa dụng của miền Trung. Trên cơ sở đó, THACO đang thúc đẩy sự liên kết với đối tác, nhà sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí, điện, điện tử để hình thành hệ sinh thái ngành cơ khí phát triển mạnh trong toàn quốc, vươn tầm quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh kêu gọi các doanh nghiệp cũng tham gia với THACO để phát triển công nghiệp phụ trợ ngành Cơ khí. Tỉnh Quảng Nam cam kết nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nhanh nhất, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp tại Tỉnh.
(Nguồn: Tapchicokhi.vn)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!