Thành công của dự án “Sản xuất thử nghiệm bạc vạn năng và phôi bạc máy cán các loại từ hệ hợp kim đồng nhôm niken có chứa Fe, Mn” do Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ luyện kim thực hiện đã khẳng định, Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất thử nghiệm bạc vạn năng và phôi bạc máy cán trong ngành cán thép.

Sản phẩm đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn sản xuất

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của các nhà máy cán thép, đặc biệt các kết quả nghiên cứu và ứng dụng ban đầu của đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế tạo phôi bạc vạn năng, bạc đầu trục máy cán từ hợp kim đồng”, Bộ Công Thương đã giao Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ luyện kim thực hiện thực hiện dự án “Sản xuất thử nghiệm bạc vạn năng và phôi bạc máy cán các loại từ hệ hợp kim đồng nhôm niken có chứa Fe, Mn”.

Sau thời gian triển khai, dự án đã nghiên cứu hoàn thiện các chế độ công nghệ đúc, nhiệt luyện và hoàn thiện hệ thống dây chuyền thiết bị đủ năng lực sản xuất đáp ứng được nhu cầu trong nước. Dự án đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ đúc bao gồm công nghệ nấu luyện hợp kim, thiết kế khuôn và đúc rót sản phẩm; hoàn thiện công nghệ nấu luyện hợp kim đồng BCuAl10Fe4Ni4Mn3 ở quy mô lớn: Thay vì cho từng kim loại vào nấu chảy, khi hoàn thiện công nghệ đã hòa tan đồng thời 3 kim loại khó chảy trước, sau đó mới cho kim loại dễ chảy vào.

Trong hai năm thực hiện, dự án đã sản xuất được 182 bạc vạn năng (cho hai đơn vị là Nhà máy cán thép Lưu Xá và Công ty Cổ phần chế tạo máy Vinacomin) và hơn 8 tấn hợp kim đồng cơ tính cao trên cơ sở đồng nhôm niken có chứa Fe, Mn. Tính ra, lượng sản phẩm này trị giá hơn 5 tỷ đồng, có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội và môi trường.

Các chi tiết bạc đồng trong hệ thống máy cán thép sẽ được thay thế thường xuyên

Nhu cầu bạc chịu mài mòn cần thay thế trong ngành cán thép nói riêng là rất lớn, số lượng thực tế lên đến hàng vạn chi tiết/năm. Khác với các yêu cầu thông thường về bạc đồng, các loại chi tiết này đòi hỏi cao về chất lượng do điều kiện làm việc trong ngành cán thép rất khắc nghiệt như tải trọng lớn, thường xuyên thay đổi về lực, môi trường nhiệt độ cao, làm việc liên tục…

Tại Việt Nam, ngành thép đang phát triển mạnh mẽ với năng lực lên đến hàng chục triệu tấn thép thành phẩm hàng năm. Cùng với sự lớn mạnh của ngành thép là hệ thống các đơn vị cơ khí vệ tinh chế tạo thiết bị, linh kiện phụ trợ cho ngành thép, nhằm chủ động thay thế các sản phẩm trước đây phải nhập khẩu chính hãng hoặc từ các nước thứ 3. Do đó, việc chủ động nguồn cung trong nước hiện nay là rất cấp thiết, giúp ngành thép hạn chế phụ thuộc nhập khẩu, từng bước chủ động chế tạo trong nước.

Ngoài những giá trị về kinh tế, các giá trị về sản xuất còn thể hiện tính ứng dụng cao của các kết quả nghiên cứu khoa học, là tiền đề nối tiếp cho các nghiên cứu và ứng dụng sau này.

(Nguồn: tapchicokhi.com.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!