Dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả nhiều hàng hóa thế giới đồng loạt tăng... những thách thức này đang được Việt Nam thích ứng nhanh chóng nhằm duy trì đà tăng trường.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại.
Sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế thể hiện ở nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô, chẳng hạn chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 đã tăng 8,5% so với cùng kỳ, đánh dấu tháng thứ 4 tăng liên tiếp, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 cũng tăng 3,1% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đều tăng.
Ước tính tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm đạt gần 43 nghìn doanh nghiệp, tăng trên 46% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, bình quân 2 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút vốn FDI tiếp tục phục hồi, trong đó vốn đăng ký điều chỉnh tăng cao gần 124%.
Hai tháng đầu năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng ở mức hai con số. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Mặc dù có số ngày nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, song 2 tháng đầu năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng ở mức hai con số. Theo Tổng cục Hải quan, tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 54,5 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, song trong trung và dài hạn, Việt Nam vẫn được đánh giá tăng trưởng ổn định khi mà những trụ cột như xuất khẩu, thu hút đầu tư và tiêu dùng trong nước đang phục hồi nhanh.
Tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế
Theo thống kê, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán nhu cầu du lịch nội địa đã thực sự bùng nổ với khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, gần bằng lượng khách cùng kỳ năm 2019. Sự phục hồi của ngành du lịch đã giúp cho doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng gần 13% và doanh thu du lịch lữ hành tăng trên 39% trong tháng 2. Dự kiến, mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3 tới đây được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực mới cho tăng trưởng.
Ông Hiroyuki Moribe - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản cho hay: "So với Nhật Bản, đất nước vẫn đang hạn chế nhập cảnh từ nước ngoài thì chính sách mở cửa của Chính phủ Việt Nam là khá sớm, với những ưu tiên kinh tế nên kinh tế đã bước vào giai đoạn phục hồi. Mục tiêu mà chính phủ Việt Nam đặt ra trong tăng trưởng kinh tế năm nay là 6,5%, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo là 6,5%. Tôi nghĩ đây là mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á trong năm nay".
Còn với trụ cột xuất khẩu, nhiều nhóm hàng có giá trị xuất khẩu trên 5 tỷ USD từ đầu năm đến nay như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may. Với nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm gần 90% tỷ trọng xuất khẩu đã khẳng định sự phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp.
"Thật sự đáng khen ngợi về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quản lý đại dịch và giữ cho bánh xe thương mại quay vòng. Chính nhờ những nỗ lực tập thể đó đã giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Chúng tôi đã trao đổi với một số công ty của Australia tại Việt Nam để điều chính hoạt động kinh doanh, thích ứng nhanh hơn nhằm đảm bảo ổn định các chuỗi vận chuyển, cung ứng", bà Rebecca Ball - Tham tán Thương mại cấp cao, Trưởng Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia tại TP Hồ Chí Minh cho hay.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam hai tháng đầu năm nay ước tính đạt 2,68 tỷ USD. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Một động lực khác cho tăng trưởng là thu hút đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam hai tháng đầu năm nay ước tính đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Shimizu Akira - Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nhận định: "Nếu Việt Nam giảm mức sản xuất sẽ làm rối loạn toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời làm giảm ưu thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư và tình trạng sẵn sàng kinh doanh. Nên các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất chào đón với quy định chống dịch hiện nay của Chính phủ Việt Nam. JICA đang nỗ lực chuyển giao công nghệ, tăng cường liên kết giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam".
Vượt khó để đảm bảo tăng trưởng
Tuy nhiên, hiện có không ít những khó khăn và thách thức đang đeo bám nền kinh tế Việt Nam như dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, giá cả nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới đồng loạt tăng, căng thẳng chính trị khiến cho đầu ra các sản phẩm xuất khẩu gặp khó… Những khó khăn này đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế dần thích ứng một cách chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo đà tăng trưởng.
Nông nghiệp vốn là trụ đỡ của nền kinh tế, trong 2 tháng qua sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp sau Tết. Giá phân bón, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng; thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài tại khu vực phía Bắc… nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục đảm bảo cho nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu.
Để đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm trước, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đã có thích ứng nhanh với tình hình. Như với ngành gỗ, nguồn nguyên liệu dự kiến nhập khẩu từ Nga trong năm nay đã phải tính ngay giải pháp thay thế.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: "Nhiều doanh nghiệp Việt đã thay thế gỗ cao su thành công. Đây là hướng mở thay thế gỗ bạch dương nhập khẩu từ Nga".
Sự phục hồi của kinh tế Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá khả quan. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng thông tin về gói hỗ trợ phát triển kinh tế với quy mô lên tới 350 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn và giảm 2% thuế VAT đã được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao bởi với họ đây là sự hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi.
Sự phục hồi của kinh tế Việt Nam cũng đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là khả quan khi một loạt chính sách đã và đang được kích hoạt.
"Giá dầu toàn cầu tăng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho tăng trưởng kinh tế, do nhu cầu trong nước yếu đi. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tiếp tục đối mặt với chi phí vận tải cao hơn nhưng theo quan điểm của chúng tôi, triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện. Nhất là việc Việt Nam có kế hoạch dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đối với du khách quốc tế đến bắt đầu từ ngày 15/3 - đây sẽ là bước phát triển quan trọng cho ngành du lịch trong quý II", bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam cho hay.
Nhiều khó khăn, nhiều thách thức cần phải vượt qua và những nỗ lực từ sự chủ động ứng phó, thích ứng linh hoạt đã và đang đem đến những triển vọng cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
(Nguồn: VTV)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!