Sáng 15/4, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc “Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh 2022 – HEF 2022” với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP Hồ Chí Minh trong tương lai”.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại "Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh 2022". Ảnh: VGP.

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cùng nhiều lãnh đạo khác.

Phát biểu khai mạc HEF 2022, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Đây là sự kiện quan trọng thường niên do UBND TP tổ chức, nhằm tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước trên các lĩnh vực phát triển của TP. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% GRDP. Đến năm 2030 trở thành TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, kinh tế số chiếm 40% GRDP”.

Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, để đạt được mục tiêu trên, TP đã lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hành động chuyển đổi số; đặt mục tiêu sớm đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TP và Trung tâm tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số hoạt động hiệu quả. Triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh (giai đoạn 2), hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước thúc đẩy đề án phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh, chương trình nghiên cứu, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo; quyết tâm hình thành nhanh một hệ sinh thái toàn diện, phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế số của TP.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Theo báo cáo của nhiều tổ chức kinh tế lớn trên thế giới công bố, nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015, và dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (tốc độ tăng trưởng khoảng 29% một năm).

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đạt được thành quả trên có sự đóng góp quan trọng của TP Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đánh giá cao tính nhạy bén, năng động của Đảng bộ, Chính quyền, DN và Nhân dân TP trong việc tổ chức diễn đàn với chủ đề kinh tế số nhằm thu thập các ý kiến chuyên gia, những bài học tốt để triển khai, cụ thể hóa chủ trương, chiến lược, chính sách của Trung ương.

Trong hai năm vừa qua, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất bởi làn sóng đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng đến quý I/2022, toàn thể bộ máy chính quyền, DN và người dân TP đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế phục hồi, từng bước phát triển nhanh hơn, sớm hơn dự kiến, đóng góp tích cực vào đà phục hồi chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (GRDP) quý I/2022 ước tăng 1,88% so với cùng kỳ, tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện ước đạt hơn 121.000 tỷ đồng, tăng 9,41% so với cùng kỳ.

“Trong đại dịch Covid-19, các hoạt động về thương mại điện tử, chuyển đổi số như: giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa được đẩy mạnh và tăng tốc đáng kể. Tuy nhiên, chuyển đổi số và kinh tế số mới chỉ đang bắt đầu, tiềm năng ứng dụng, phát triển còn rất lớn. Do đó, TP Hồ Chí Minh cần có định hướng để khai thác tốt tiềm năng này”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

HEF 2022 là cơ hội để lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, DN trong và ngoài nước về chuyển đổi số, kinh tế số nhằm mục đích thống nhất, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số. Tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giúp DN phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả. Đồng thời, tạo cơ hội để các cá nhân và tổ chức đề xuất kiến nghị về khuôn khổ chính sách khuyến khích, quản lý phát triển kinh tế số; phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kỹ thuật/kinh tế số, góp phần đẩy mạnh xây dựng TP trở thành đô thị thông minh.

(Nguồn: kinhtedothi.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!