Tuần này, Tổng cục Thống kê sẽ công bố tình hình kinh tế, xã hội quý I/2022, nhưng theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I chắc chắn khả quan.

Cơ sở nào mà ông cho rằng, GDP quý I năm nay sẽ cao hơn năm 2021?

Thứ nhất, quý I/2021, GDP tăng trưởng khá khiêm tốn, chỉ tăng 4,72%. Đứng trên nền thấp để so sánh, thì việc tăng trưởng cao hơn không quá khó.

Thứ hai, khi xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cho từng quý năm 2022, Chính phủ rất thận trọng, vì thời điểm xây dựng kịch bản (tháng 12/2021), dịch bệnh còn vô cùng phức tạp, nền kinh tế vừa mở cửa trở lại từ đầu tháng 10/2021, nhưng cũng chỉ mở có giới hạn. Vì vậy, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quý này từ 4,9 đến 5,4%. Ngay cả chỉ đạt tốc độ tăng trưởng ở cận dưới, cũng đã cao hơn năm ngoái.

Thứ ba, nền kinh tế đang trong đà tăng trưởng khá cao của quý IV/2021, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (5,22% so với 4,61%). Cũng xin lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ quý IV/2021 chỉ tăng 5,42% do lĩnh vực này vẫn bị hạn chế mở cửa do dịch bệnh. Còn trong năm nay, khu vực dịch vụ gần như đã được mở cửa hoàn toàn, nên chắc chắn sẽ tăng cao hơn.

Đó là suy luận trên lý thuyết, còn thực tế thì sao, thưa ông?

Thực tế là theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2022, một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng khá cao, như sản xuất thiết bị điện tăng gần 28%; máy móc, thiết bị tăng hơn 21%; trang phục tăng trên 20%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15%... Đầu tư từ ngân sách nhà nước được coi là vốn mồi để thu hút các nguồn vốn ngoài xã hội trong 2 tháng đầu năm nay cũng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta phụ thuộc rất lớn vào hoạt động ngoại thương. Tính đến trung tuần tháng 2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt cao nhất so với cùng kỳ các năm, với tổng kim ngạch lên đến 139,83 tỷ USD, tăng trên 14%, trong đó nhập khẩu tăng 16% và xuất khẩu tăng 12,2%.

Cộng đồng doanh nghiệp phản ứng thế nào trước bức tranh kinh tế này?

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có đến 81,7% số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng của nền kinh tế - cho rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh quý I/2022 tốt hơn hoặc bằng quý IV/2021. Đặc biệt, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài có 83,1% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh quý I/2022 tốt lên hoặc ổn định so với quý IV/2021.

Tôi tin rằng, kết quả khảo sát này phản ánh khá sát thực tế, vì doanh nghiệp không có bất cứ áp lực nào để phản ánh không trung thực. Doanh nghiệp cũng không có bất cứ lý do, động lực gì để phản ánh thiếu khách quan, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Với bức tranh sáng sủa này, trong 2 tháng đầu năm, đã có 20.300 doanh nghiệp  thành lập mới, tăng 12%. Và điều khá bất ngờ là trong 2 tháng đầu năm, dù thời gian nghỉ Tết Nguyên đán khá dài, nhưng có tới 22.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 2 tháng đầu năm nay lên đến 42.600, tăng trên 46%, là tốc độ tăng cao kỷ lục. Nếu hoạt động đầu tư, kinh doanh không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp hơn so với kênh đầu tư tài chính khác, thì không ai dại gì bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh. Số liệu doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã phản ánh nền kinh tế đang dần tăng tốc.

Như vậy, bình quân mỗi tháng có 21.300 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng mỗi tháng có tới 22.450 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo ông, số liệu này phản ánh điều gì? 

Trong tổng số 44.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm nay, có tới 32.700 doanh nghiệp chỉ tạm ngừng kinh doanh có thời hạn để cơ cấu lại hoạt động, hết thời hạn tạm ngừng, sẽ có nhiều doanh nghiệp quay trở lại thị trường. Chỉ có gần 3.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 9,4%. Như vậy, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nhưng bức tranh về doanh nghiệp cũng rất sáng sủa.

Có lẽ chúng ta cũng không nên quá lo lắng khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm sau cao hơn năm trước, bởi số lượng doanh nghiệp hoạt động nhiều lên, thì số rút lui khỏi thị trường cũng tăng lên, có sinh ắt có tử là lẽ thường của tạo hóa.

Hơn nữa, ngay cả số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, đóng cửa tăng cũng không hẳn là tiêu cực, vì tạo cơ hội cho doanh nghiệp khác ra đời và nhà đầu tư rút lui khỏi lĩnh vực kinh doanh này, thì khi có cơ hội, họ lại thành lập doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khác. Đây là quá trình tự cơ cấu, sàng lọc đầu tư.

Tăng trưởng kinh tế cao là điều đáng mừng, nhưng tạo ra áp lực tăng lạm phát. Ông dự báo mức độ lạm phát năm nay thế nào?

Chắc chắn là gấp đôi năm ngoái (CPI năm 2021 tăng 1,84%). Nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao năm nay đã được nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, như hậu quả của cuộc chiến Nga - Ukraine dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, nhiên vật liệu toàn cầu là đầu vào của hoạt động sản xuất trong nước. Lạm phát của các nền kinh tế lớn đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, Việt Nam nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị, máy móc nghĩa là nhập khẩu cả lạm phát.

Cùng với đó, kinh tế thế giới dù mới được các định chế tài chính quốc tế dự báo giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng vẫn đang trên đà phục hồi mạnh mẽ khiến cầu tăng. Giá xăng dầu đã và đang tăng rất mạnh, nhưng vẫn còn là ẩn số, tất cả phụ thuộc vào cuộc chiến Nga - Ukraine và các biện pháp kinh tế của các nước phương Tây đối với Liên bang Nga.

Còn ở trong nước, Hội đồng Tiền lương chưa kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc có hay không nâng lương tối thiểu vùng, nâng bao nhiêu. Nhưng trước áp lực thiếu hụt lao động, để thu hút và giữ chân lao động, doanh nghiệp buộc phải nâng lương, phụ cấp, tiền thưởng, chế độ đãi ngộ, thu nhập cho người lao động, khiến tăng chi phí, tăng giá thành sản xuất, tạo áp lực lên lạm phát.

(Nguồn: baodautu.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!