Năm 2022 được đánh giá là năm nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất, nhập khẩu nói riêng, bởi những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng do những nguyên nhân từ tình hình căng thẳng ở một số nước cũng khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều bất lợi.
Nỗ lực khắc phục những khó khăn, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai những tháng đầu năm vẫn đạt được những kết quả tăng trưởng tích cực.
* Xuất siêu hơn 2,4 tỷ USD
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 4-2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) vẫn duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá, mặc dù bị ảnh hưởng của thị trường thế giới do bất ổn giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, giá xăng dầu và nguyên vật liệu sản xuất tăng cao nhưng tình hình xuất khẩu hàng hóa của các DN vẫn khởi sắc do nhu cầu tiêu dùng của các thị trường trên thế giới vẫn đang tăng.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 4-2022 trên địa bàn Đồng Nai đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 2,63% so với tháng trước và tăng gần 18% so với tháng cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu của Đồng Nai đạt hơn 8,7 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng xuất khẩu 4 tháng qua tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: cà phê, hạt tiêu, cao su, hàng dệt may, giày dép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, xơ, sợi dệt các loại, sản phẩm từ sắt thép… Thị trường xuất khẩu tháng 4 tập trung chủ yếu ở: Mỹ với 745 triệu USD, chiếm 30,9%; Trung Quốc đạt 219,7 triệu USD, chiếm 9,1%; Nhật Bản đạt 220,5 triệu USD, chiếm 9,17% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường: Đài Loan, Hàn Quốc, Bỉ, Đức và những nước còn lại chiếm tỉ trọng 50,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, 4 tháng đầu năm, nhập khẩu hàng hóa vào Đồng Nai đạt hơn 6,3 tỷ USD. Như vậy, 4 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất siêu trên địa bàn tỉnh đạt 2,4 tỷ USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 600 triệu USD.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tháng 4 và tháng 5, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đang trên đà phục hồi, sau nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid-19. Sản xuất công nghiệp phục hồi khá nhanh, ở hầu hết các DN lao động trở lại làm việc đạt 100%. DN tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Những tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, dịch tả heo châu Phi được kiểm soát tốt... là những điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh...
Một điều đáng mừng là tốc độ gia tăng giá trị xuất khẩu của các DN tư nhân trong nước cao hơn nhiều 4 tháng đầu năm 2021 (1,98 tỷ USD so với 1,42 tỷ USD). Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tiếp tục hồi phục và triển vọng tốt, bởi nhu cầu thế giới đối với hàng hóa Việt Nam sẽ còn gia tăng do gián đoạn nguồn cung tại một số quốc gia khác.
* Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù triển vọng tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2022 vẫn khả quan song nhìn nhận một cách thực tế, có rất nhiều thách thức đang đợi cộng đồng DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN tư nhân của Việt Nam.
Về thuận lợi, qua khảo sát, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang tìm kiếm các nhà cung ứng đầu vào tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các DN trong nước, nhưng cũng là bài toán cạnh tranh về giá cả, công nghệ và chất lượng. Để tham gia cung ứng sản phẩm đầu vào cho DN FDI, DN trong nước phải đầu tư và đưa ra sản phẩm cạnh tranh. Hiện nay có hàng trăm DN trở thành nhà cung ứng phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho DN FDI về các sản phẩm điện tử dân dụng, dịch vụ lắp ráp điện tử, bo mạch điện tử, các sản phẩm cao su và nhựa, sản phẩm hỗ trợ trong các ngành công nghiệp...
Khi có thể cung ứng được sản phẩm cho các đối tác FDI trong nước thì thông qua các đối tác này, thị trường xuất khẩu của DN Việt Nam sẽ rộng mở hơn. Đó cũng là giải pháp để chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng cao.
Dưới góc độ DN, có thuận lợi nhưng khó khăn giai đoạn này còn lớn hơn. Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, đánh giá khó khăn lớn nhất giai đoạn hiện nay là giá cả đầu vào. Theo ông Hưng: “Rất nhiều DN trong Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai đã ký được đơn hàng đều đặn nhưng vấn đề gặp phải là giá cả nguyên liệu đầu vào, trong đó giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất. Tuy sản xuất và xuất khẩu ký được nhiều nhưng giá hàng xuất ra lại không tăng được như giá đầu vào. Đây là bài toán khó khăn trong giai đoạn hiện nay”.
Không chỉ khó khăn về giá thành sản xuất mà ngay cả các linh kiện nhập khẩu cũng đang bị đình trệ. Anh Lê Xuân Thời, Giám đốc Công ty TNHH Astek (TP.Biên Hòa), cho biết một số máy móc, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị ách tắc bên phía nước bạn. “Chúng tôi cần linh kiện để sản xuất máy, cung ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu nhưng tiến độ giao hàng của đối tác chậm, kéo theo việc sản xuất của DN bị ảnh hưởng và chưa có phương án giải quyết ổn thỏa nhất” - anh Thời cho biết thêm.
(Nguồn: baodongnai.com.vn)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!