Việt Nam sẵn sàng vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 và từng bước trở thành điểm đến được quan tâm của các nhà đầu tư.

Trang Asian Investor đăng bài viết đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Bài viết dẫn ý kiến của các chuyên gia cho biết nhờ quá trình công nghiệp hóa tốc độ cao và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, Việt Nam sẵn sàng vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 và từng bước trở thành điểm đến được quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo bài viết được đăng tải ngày 14/3, đánh giá lạc quan được đưa ra dựa trên nền tảng kinh tế vững chắc nhờ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng ổn định, trung bình 6% mỗi năm cho đến năm 2019. Bất chấp những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra trong hai năm qua và các mối đe dọa mới từ cuộc khủng hoảng và lạm phát ở Ukraine, các chuyên gia vẫn tin tưởng triển vọng là tích cực.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% vào năm 2022, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra con số cao hơn là 6,6%, so với mức tăng trưởng 2,6% của năm 2021. Ông Jason Ng, Giám đốc điều hành VCG Partners (công ty con tại Singapore của VinaCapital, một trong những công ty quản lý đầu tư hàng đầu tại Việt Nam), dự báo GDP của Việt Nam tăng hơn 7% trong năm nay với các yếu tố gồm sự phục hồi của tiêu dùng, khả năng mở cửa trở lại hoàn toàn để đón khách du lịch nước ngoài và gói kích cầu trị giá 15,3 tỷ USD vừa được thông qua vào tháng 1/2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng đại dịch.

Bài viết nhấn mạnh một trong những động lực kinh tế quan trọng là công nghiệp hóa với sự hỗ trợ của các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). FDI không sụt giảm nhiều dù bị ảnh hưởng của đại dịch. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 15,8 tỷ USD vốn nước ngoài đã đổ vào Việt Nam trong năm 2020, giảm nhẹ so với 16,1 tỷ USD của năm 2019. Con số chính thức cho năm 2021 dự kiến duy trì ở mức này do sức hấp dẫn của lao động giá rẻ, lực lượng lao động trẻ và có trình độ của Việt Nam, đồng tiền ổn định và các ưu đãi cho doanh nghiệp. Bài viết lưu ý Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN, giúp Việt Nam nâng cao vị thế như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu.

Cũng theo bài viết, một động lực chính khác là tiêu dùng gia tăng trong nước. Đầu tư nước ngoài gia tăng trong những năm gần đây đã tạo ra việc làm và tầng lớp trung lưu đông đảo cũng như "nuôi dưỡng" nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương trở thành nhà cung cấp cho các nhà sản xuất lớn. Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu - những người kiếm được 700 USD/tháng - sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ông Jason Ng cho biết tầng lớp trung lưu trẻ tuổi hiểu biết về kỹ thuật số, do vậy thương mại điện tử và các lĩnh vực phân phối cũng như logistics dự kiến được hưởng lợi. Dịch vụ tài chính, bất động sản nhà ở, công nghệ kỹ thuật số và các sản phẩm "xanh" là những cơ hội đầu tư tiềm năng.

Tuy nhiên, ông Jason Ng nêu nhận định rủi ro lớn nhất hiện nay đối với các nhà đầu tư nước ngoài là lạm phát bùng phát trở lại và đồng Việt Nam có thể mất giá so với USD. Mặc dù vậy, theo ông, với dự trữ ngoại hối hơn 100 tỷ USD và thặng dư thương mại tốt, Việt Nam vẫn có thể trụ vững.

(Nguồn: vtv.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!