Sự bùng nổ Thương mại điện tử tại Việt Nam đang mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của E-Logistics. E-Logistics ngày càng phổ biến hơn tại nước ta, hứa hẹn sẽ là một lĩnh vực tiềm năng để đầu tư, miễn là nhà đầu tư có thể chịu được các yêu cầu cao về chi phí.
Tổng quan E-Logistics Việt Nam
E-Logistics còn là một khái niệm mới mẻ tại Việt Nam. Nó được coi là logistics 5PL, tức là logistics kết hợp với thương mại điện tử.
Yếu tố làm nên sự khác biệt với ngành logistics truyền thống là số lượng đơn hàng giải quyết. Logistics truyền thống chuyên về xử lý các đơn hàng lớn, còn e-logistics lại thiên về những đơn hàng nhỏ, xử lý nhiều loại đơn hàng với số lượng lớn , đòi hỏi tiến độ giao hàng nhanh và độ chính xác cao.
Sự khác biệt lớn nhất là trong khi hầu hết các quy trình xử lý đơn hàng và báo giá hậu cần truyền thống được thực hiện thủ công, e-logistics xử lý các vấn đề thu mua và dây chuyền hoàn tất đơn hàng bằng công nghệ thông tin. Các quy trình trong e-logistics đều được tự động hóa, đáp ứng số lượng lớn đơn hàng lên đến con số hàng chục triệu mỗi ngày, hàng trăm nghìn chủng loại hàng hóa với tiến độ giao hàng chỉ trong 1-2 giờ.
Theo Bộ Công Thương, năm 2017, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ e-logistics. Đến nay, con số đã lên tới hơn 3,000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó, 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp nước ngoài.
Tiềm năng của E-Logistics Việt Nam
Từ 2018 đến nay, thị trường thương mại diện tử Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Quy mô thị trường năm 2018 đạt 8.06 tỷ USD, năm 2019 là 10.08 tỷ USD, năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD. Ước tính năm 2021, thị trường này có giá trị 13,6 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 18%, trong đó chi phí logistics chiếm khoảng 10% doanh thu. Đó là nền tảng cơ bản cho sự phát triển của các công ty logistics, đặc biệt là e-logistics.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, lượng hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát tăng 47% vào năm 2020. VECOM cũng cho biết, mức tăng trưởng bình quân của thương mại điện tử là 30%/năm từ 2016 đến nay. Giá trị ngành Thương mại điện tử nước ta tăng từ 4 tỷ USD (2015) lên 11,5 tỷ USD (2019). Mức tăng trưởng sẽ duy trì ở 29% trong giai đoạn 2020-2025, dự đoán con số lên đến 52 tỷ USD vào năm 2025.
Theo Redseer1, 86% người tiêu dùng Việt Nam sẽ duy trì hoặc tăng cường mua sắm trực tuyến sau COVID-19, mở ra con đường cho dịch vụ e-logistics phát triển. Doanh thu của hoạt động e-logistics tại Việt Nam trong những năm tới dự kiến sẽ sớm đạt hàng tỷ USD.
Báo cáo “Chỉ số Logistics các thị trường mới nổi 2021” của Agility đã liệt kê Việt Nam vào top 8 thị trường logistics phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Với sức hút này, cuộc đua e-logistics tại Việt Nam đang tăng nhiệt, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và cạnh tranh.
Thách thức của lĩnh vực E-Logistics Việt Nam
Tại Việt Nam, E-Logistics phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô lớn hay công ty nước ngoài. Trong lĩnh vực này, công nghệ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Để gia nhập vào thị trường này, các doanh nghiệp cần số vốn đầu tư lên tới hàng triệu USD cho dây chuyền phân loại hàng hóa.
Ngoài việc đầu tư vào hệ thống phân loại tự động, các công ty cũng cần phải trang bị phần mềm quản lý để kết nối thông tin hạ tầng. Tuy nhiên, chi phí đầu tư công nghệ đồng bộ thông tin như vậy là gánh nặng quá lớn đối với các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, những yêu cầu về kho bãi, chi nhánh, lao động chất lượng cao trong chuỗi cung ứng có kiến thức về e-logistics cũng là một trở ngại rất lớn dẫn đến việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thể gia nhập thị trường này.
Với những yêu cầu về chi phí khổng lồ, e-logistics đã được chứng minh là một lĩnh vực khó đối với các công ty logistics truyền thống. Chi phí logistics tại Việt Nam chiếm 20% GDP, gấp đôi mức trung bình của thế giới do cơ sở hạ tầng còn hạn ché. Áp lực chi phí được cho là nguyên nhân khiến một tên tuổi lớn trong ngành logistics Việt Nam – DHL – rời cuộc chơi e-logistics. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư một số tiền lớn vào dịch vụ này vì triển vọng phát triển dài hạn.
E-Logistics tại Việt Nam rất tiềm năng vì đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới. Với sự bùng nổ của Thương mại điện tử, dự báo mảng e-logistics Việt Nam sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết trong những năm tới.
(Nguồn: Vietnam Credit)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!