Khi Trung Quốc coi trí tuệ nhân tạo (AI) như một động cơ phát triển của nền kinh tế mới, bốn “con rồng” dẫn đầu công nghệ AI tại thị trường tỷ dân bao gồm: Cloudwalk, Yitu, SenseTime và Megvii cũng được chú ý hơn bao giờ hết…

Trong số bộ tứ, công ty đầu tiên thiết lập các hoạt động AI là Megvii, được thành lập tại Bắc Kinh vào năm 2011 bởi ba sinh viên tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa là Yin Qi, Tang Wenbin và Yang Mu. Megvii hiện có trụ sở chính tại Bắc Kinh với hơn 2.000 nhân viên. Đáng chú ý, hiện Megvii đang được gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba chống lưng.

Nổi tiếng với công nghệ nhận dạng khuôn mặt, bên cạnh đó còn sản xuất phần cứng và phần mềm AI, Megvii đang rất nỗ lực dẫn đầu hệ sinh thái thông minh, tối ưu hóa hiệu quả của các thiết bị IoT trong sản xuất, hậu cần và quản lý đô thị tại Trung Quốc. 

Yin Qi, đồng sáng lập kiêm CEO Megvii, cho biết công ty hiện đang phát triển công nghệ AI với ba nhánh chính, gồm IoT cá nhân, IoT thành phố hỗ trợ chính quyền thành phố trong công tác quản lý và IoT nhà máy hỗ trợ kiểm soát chuỗi cung ứng các nhà máy.

Vào năm 2020, công ty công nghệ này đã ra mắt nền tảng Brain ++, một nền tảng AI giúp các doanh nghiệp xây dựng thuật toán ở quy mô lớn và xây dựng công nghệ AI riêng nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp. 

Hoạt động như một nền tảng hỗ trợ quá trình tạo và cải tiến mô hình thuật toán, nền tảng được thiết kế để giải quyết các “điểm đau” mà các doanh nghiệp gặp phải khi cố gắng số hóa các hoạt động. Brain ++ có thể xây dựng toàn bộ vòng đời của thuật toán, từ quản lý dữ liệu đầu vào đến tối ưu hóa và lập kế hoạch phát triển chi tiết. 

Brain ++ được coi là một giải pháp cấp bách mà mọi doanh nghiệp đều cần, không chỉ tạo điều kiện phát triển thuật toán nhanh chóng mà còn giúp tạo ra thuật toán ở quy mô lớn, phù hợp với nhu cầu của từng công ty ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo Tang, nhà đồng sáng lập Megvii, Brain ++ có thể rút ngắn 80% thời gian phát triển thuật toán và giảm 55% chi phí sản xuất thuật toán tổng thể. Bằng cách kết hợp học máy tự động trong hệ thống của mình, Brain ++ có thể “sử dụng các thuật toán để đào tạo các thuật toán khác và sử dụng AI để tạo ra AI”. 

Nhu cầu ứng dụng công nghệ AI ngày càng cao đã tạo cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho các nhà cung cấp AI, nhưng điều quan trọng là các công ty tạo ra một công nghệ AI khả thi cho từng mô hình doanh nghiệp khác nhau.

Với tham vọng trở thành “công ty AI chăm chỉ nhất”, bên cạnh việc ra mắt Brain ++, vào tháng 1/2019, Megvii từng cho ra mắt robot Hetu. Vào thời điểm đó, Hetu đã được sử dụng trong hơn 100 nhà kho của các công ty khác nhau. Hệ thống robot ứng dụng AI của Megvii đã giúp tối ưu hóa hoàn toàn hệ sinh thái giao hàng khổng lồ của đất nước.

Chiến lược thương mại hóa công nghệ AI của Megvii được giới chuyên gia nhận định phù hợp với kế hoạch phát triển tài năng công nghệ “tại gia” của Trung Quốc, nhằm giảm sự phụ thuộc của các công ty công nghệ Trung Quốc vào các kỹ thuật, phát minh mới của Mỹ. Bởi vì, khi các công ty khởi nghiệp Trung Quốc phụ thuộc vào khuôn khổ công nghệ Mỹ, nhiều người coi đó là một lỗ hổng trong hệ sinh thái AI của Trung Quốc.

(Nguồn: vneconomy.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!