Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2022 giảm 3,1% so với tháng 12/2021 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành chế biến, chế tạo tăng 2,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%; ngành khai khoáng giảm 4,6%...
Nhiều ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất tháng 01/2022 tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sản xuất công nghiệp tháng đầu năm tăng trưởng không cao so với cùng kỳ năm trước, Bộ Công Thương cho biết chủ yếu do một số địa phương quy định chính sách giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 nên người lao động trở về quê sớm, gây thiếu hụt lực lượng lao động cho sản xuất.
Đồng thời, tháng 01/2022 là tháng sát Tết âm lịch, hoạt động của các doanh nghiệp cũng được cắt giảm so với cùng kỳ và đây cũng là thời điểm đầu năm, thị trường và sức mua vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau tác động nặng nề của dịch bệnh trong năm 2021 vừa qua, do đó nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp không cao.
NHIỀU TÍN HIỆU TÍCH CỰC
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất tháng 1/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: khai thác quặng và kim loại tăng 21,9%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 16,8%; trang phục tăng 11,4%; thiết bị điện tăng 11,5%; da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,3%; dệt tăng 8,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 15,3%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng 1/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Alumin tăng 35,7%; thép thanh, thép góc tăng 20,3%; ô tô tăng 11,7% (do chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tại Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tại Nghị định số 104/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021...); phân hỗn hợp NPK tăng 15,6%...
Tuy nhiên, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: tivi các loại giảm 33,5%; dầu mỏ thô khai thác giảm 7,55; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 11,7%; đường kính giảm 29,4%...
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng đầu năm 2022, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với số vốn đăng ký đạt 233 triệu USD, chiếm 60,1% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,19 tỷ USD, chiếm 72% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, khởi đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tích cực, với các chỉ số kinh tế quan trọng đều tăng mạnh.
Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, tuy với tốc độ chậm hơn và không đồng đều giữa các ngành. Tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp giảm xuống còn 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo này cũng cho biết chỉ số quản lý thu mua (PMI) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng rõ rệt từ 52,5% trong tháng 12/2021 lên 53,7% vào tháng 01/2022, là mức cao nhất kể từ tháng 5/2021, cho thấy điều kiện kinh doanh đã được cải thiện đáng kể.
Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý của 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (do Tổng cục Thống kê thực hiện) cho thấy, có tới 81,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý 1/2022 sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 4/2021, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn giảm xuống chỉ còn 18,3%.
Về khối lượng sản xuất quý 1/2022 so với quý 4/2021, có 82,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên, 17,4% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Dự báo tình hình sử dụng lao động quý 1/2022 so với quý 4/2021 khả quan hơn với 88,2% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên, 11,8% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.
Về số lượng đơn đặt hàng mới, quý 1/2022 so với quý 4/2021 tiếp tục tăng với 83,2% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên, 16,8% doanh nghiệp dự báo giảm. Đối với các đơn hàng xuất khẩu mới, có tới 83,3% doanh nghiệp dự báo trong quý 1/2022 tăng và giữ nguyên so với quý 4/2021, chỉ có 16,7% doanh nghiệp dự báo giảm.
TIẾP TỤC ĐẨY NHANH TIẾN TRÌNH PHỤC HỒI SẢN XUẤT
Đánh giá về triển vọng năm 2022, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường. Tuy nhiên, việc chuyển hướng phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ tiếp tục tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hơn nữa, một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) được thực thi sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu, sản xuất sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhất là các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, da – giày, điện tử,… khi các doanh nghiệp dần tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.
Các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, qua đó thúc đẩy sản xuất phát triển.
Năm 2022, ngành công thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng khoảng 7 - 8% so với năm 2021. Để hoàn thành mục tiêu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công lớn, đặc biệt là các dự án về năng lượng, hạ tầng phát triển ngành nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giao thương của nền kinh tế, cũng như phát triển thị trường cho một số ngành sản xuất chủ lực như thép, cơ khí, vật liệu xây dựng, ô tô…
Cùng với đó, tích cực mở cửa nhà máy, phân xưởng sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa, các cấp chính quyền chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo.
Cũng trong năm 2022, Bộ Công Thương sẽ tập trung cho việc hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến thị trường ngoài nước, tận dụng tối đa cơ hội từ các quốc gia có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, liên kết doanh nghiệp trong nước và các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ là mũi nhọn phát triển kinh tế đất nước trong năm 2022 cũng như những năm tiếp theo. Do vậy, doanh nghiệp công nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với tình hình mới, tái cấu trúc và áp dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Điều này cần đến sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, như chính sách tài chính, đào tạo, đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
(Nguồn: vneconomy.vn)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!