Khái niệm về đánh bóng kim loại
Đánh bóng được dùng để gia công lần cuối cho bề mặt sắt thép đã mài, để đánh bóng các vật bằng đồng, nhôm, kẽm… hoặc đánh bóng cho các lớp mạ trang sức sáng bóng lên. Đây là phương pháp  sử dụng vật liệu mài để làm nhẵn các bề mặt kim loại. Khi được đánh bóng, bề mặt của các vật bằng kim loại sẽ được loại bỏ các khuyết tật và trở nên sáng bóng hơn, làm tăng giá trị thẩm mĩ. Bên cạnh đó nó còn làm giảm quá trình oxy hóa và ngăn ngừa sự ăn mòn của kim loại, kéo dài tuổi thọ đáng kể của vật liệu.

Quy trình đánh bóng kim loại

Đánh bóng là quá trình gia công bề mặt chi tiết bằng phớt đánh bóng (được làm bằng vải bông, giấy đặc biệt, vải, nilon hoặc da cắt thành hình tròn xếp lại, được ép dính hoặc khâu, bao bên ngoài lớp da) hoặc sử dụng miếng khăn có thuốc đánh bóng chà trực tiếp lên bề mặt vật liệu. Đánh bóng tiến hành trên bề mặt tương đối bằng phẳng, làm giảm độ nhám bề mặt, được bề mặt nhẵn bóng.

Đánh bóng thường thực hiện bởi các phớt bóng bằng da, dạ, vải bông có bôi thêm thuốc đánh bóng. Cũng có thể thực hiện trên các thiết bị đánh bóng chuyên dụng đối với các vật đặc biệt.
Khi đánh bóng, kim loại nền ít bị tiêu hao, đánh bóng sau khi mạ, tiêu hao kim loại bằng 5-20% độ dày lớp mạ.
Đánh bóng bao gồm công đoạn đánh bóng thô, đánh bóng trung bình, đánh bóng tinh.

Đánh bóng thô:

Là công đoạn mài phá, loại bỏ các khuyết điểm như bavia, vết mụn sần của phôi, cạnh gồ trên bề mặt sản phẩm kim loại. Đánh bóng thô dùng phớt cứng đánh bóng bề mặt đã qua mài bóng hoặc chưa mài bóng, có tác dụng mài cắt nhất định với kim loại nền, loại bỏ vết mài thô.

Đánh bóng trung:

Là công đoạn làm mịn, nhẵn hơn các vết xước tạo ra ở bước đánh thô, giúp sản phẩm đạt độ nhẵn mịn đồng đều trước khi qua bước xử lý đánh bóng tinh bằng các loại bánh vải. Bước đánh bóng trung này thường được kết hợp ngay sau bước đánh bavia, ít khi tách ra làm hai công đoạn riêng biệt. Đánh bóng trung bình dùng phớt tương đối cứng đánh bóng bề mặt đã qua đánh bóng thô, loại bỏ vết khi đánh bóng thô, bề mặt tương đối bóng.

Đánh bóng tinh:

Là công đoạn đánh bóng cuối cùng để đạt được độ bóng hoàn hảo cho bề mặt sản phẩm. Với bước này, người ta chủ yếu sử dụng các loại bánh vải mềm kết hợp với lơ/sáp để giúp bề mặt sản phẩm trở nên bóng sáng đẹp mắt. Bánh vải được người công nhân đánh bóng lắp vào các loại máy mài cơ và tiến hành mài cho đến khi sản phẩm đạt độ bóng sáng đúng theo yêu cầu.

Vật liệu cần đánh bóng thường là:

  • Inox 201, 304

  • Sắt, thép

  • Nhôm

  • Đồng vàng, đỏ

Mỗi loại sáp/kem đánh bóng được sản xuất với thành phần khác nhau và thích hợp cho kim loại khác nhau. Với những kim loại cứng, cần sáp/kem đánh bóng có tác động mạnh nhưng khi sử dụng sáp đánh bóng của kim loại cứng cho kim loại mềm sẽ ăn mòn rất nhanh.
Căn cứ vào nguyên liệu khác nhau mà chọn tốc độ mài bóng và đánh bóng thích hợp.

Công dụng và phân loại các sản phẩm đánh bóng

Chức năng chính của sáp/kem đánh bóng kim loại là giúp kim loại trở nên sáng hơn, đẹp hơn và bề mặt nhẵn bóng hơn. Một số loại sáp/kem đánh bóng có thành phần chứa anhydrit hoặc ammonia giúp đánh bóng nhanh và sáng nhưng sau đó chúng sẽ khiến kim loại bị ăn mòn, dễ bị oxy hóa trước môi trường hơn, đặc biệt với những sản phẩm làm từ đồng hoặc hợp kim của đồng. Hầu hết những loại sáp/kem đánh bóng truyền thống hiện nay đều có thành phần gây hại cho kim loại này. Chỉ khi sử dụng chuẩn loại sáp/kem đánh bóng chất lượng, phù hợp mới giúp cho kim loại thêm thẩm mỹ lại đảm bảo được tuổi thọ. Ngoài ra, Sáp/kem đánh bóng kim loại còn là bước chuẩn bị nền trước khi phốt phát hoá, mạ, loại bỏ bavia, làm bóng đồ trang trí, đồ cổ, giả cổ, ...

Hiện nay, sáp/kem đánh bóng kim loại đang rất phổ biến và có ứng dụng cao trong ngành công nghiệp sản xuất liên quan đến kim loại và ngay cả trong đời sống. Nhưng sáp đánh bóng được sản xuất từ rất nhiều hãng khác nhau, với những đặc điểm và công dụng khác nhau. Sáp (hay còn gọi là lơ) đánh bóng dạng thanh, bánh, paste dùng cho đánh bóng thủ công/máy cầm tay, môtơ; dạng dung dịch cho đánh bóng hàng loạt như quay bóng, xóc rung, ....

Thành phần của thuốc đánh bóng gồm: chất kết dính và vật liệu mài. Chất kết dính có tính dẻo, đàn hồi tạo độ kết dính cho hỗn hợp. Vật liệu mài là các oxit kim loại khác nhau. Thuốc đánh bóng chia ra làm 2 loại: sáp đánh bóng và kem đánh bóng.

Sáp đánh bóng (hay còn gọi là sáp đánh phá hoặc lơ đánh bóng) là một sản phẩm đánh bóng kim loại thủ công, thành phần chủ yếu của nó là bột mài và các chất phụ gia có tác dụng kết dính khác. Sáp đánh bóng được chia ra làm 2 loại là sáp đánh phá và sáp đánh mịn. Vì vậy thùy theo nhu cầu sử dụng mà bạn lựa chọn ra loại sáp đánh bóng phù hợp.

Kem đánh bóng giống như sáp đánh bóng nhưng ở dạng dung dịch hoặc nhũ tương (khó cháy) dùng để thay thế sáp đánh bóng. Kem đánh bóng được dùng bằng cách sử dụng một chiếc khăn mềm lau trực tiếp kem đánh bóng lên bề mặt vật liệu, khi đạt được độ bóng như mong muốn thì rửa sạch lại với nước.

Mỗi kim loại có tính chất, đặc điểm hóa lý khác nhau. Vật liệu đánh bóng có thể sử dụng được cho inox hiệu quả chưa chắc đã sử dụng được cho đồng hay crom, thiếc hay nhôm. Vì thế, tùy vào bản chất của kim loại nền, cần phải chọn loại sáp/kem đánh bóng có thành phần phù hợp để tránh sự ăn mòn, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, tuổi thọ của sản phẩm.

Nếu bạn đang có nhu cầu mua các sản phẩm cơ khí như dụng cụ cầm tay, dụng cụ đo lường, máy cầm tay,... thì liên hệ ngay với Siêu Chợ Cơ Khí. Ngoài những mặt hàng về cơ khí thì chúng tớ còn có cả các mặt hàng về phụ tùng xe máy, bạn có thể shopping mua hàng cơ khí và cũng tận dụng được thời gian đó để mua thêm phụ tùng xe máy sửa chữa cho chiếc xe yêu quý của mình, tiện quá phải không nào. Truy cập vào Sieuchocokhi.vn để thỏa sức mua sắm nhé.

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!