Những năm qua, các đơn vị cơ khí thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) không ngừng đẩy mạnh đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, để tăng năng lực cơ khí chế tạo, nội địa hóa các sản phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất than. Hướng phát triển này không chỉ giúp cơ khí TKV phát triển bền vững mà còn giúp Tập đoàn chủ động ứng dụng công nghệ cơ giới hóa nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn lao động.

Hệ thống giàn mềm GM 20/30 do Công ty Cổ phần Cơ khí Mạo Khê chế tạo.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Ngọc Thạch, Ban Cơ điện - Vận tải của Tập đoàn TKV để hiểu thêm về những nỗ lực đổi mới, nội địa hoá sản phẩm của các đơn vị cơ khí ngành Than.

PV: Quy hoạch phát triển ngành Cơ khí than - khoáng sản giai đoạn đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030 đã nêu rõ định hướng phát triển cơ khí là: Tăng cường năng lực tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo; đẩy mạnh tiếp thu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đủ khả năng cung cấp thông tin, tư vấn chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong Ngành... Vậy, Tập đoàn TKV đã có những chỉ đạo, định hướng và chiến lược cụ thể đối với cơ khí TKV trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Ông Mai Ngọc Thạch: Chiến lược phát triển của TKV thời gian qua đều được Tập đoàn ưu tiên các cơ chế, chính sách ưu đãi cho khối cơ khí phát triển bền vững. Tập đoàn khuyến khích các đơn vị cơ khí đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thiết kế, chế tạo thiết bị cơ giới hóa khai thác, vận tải, chế biến than; đồng thời, ưu tiên chế tạo các sản phẩm, thiết bị cơ khí tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, phù hợp với nhu cầu sử dụng trong Ngành.

Trong kế hoạch phối hợp kinh doanh, Tập đoàn đều điều phối ưu tiên việc tiêu thụ sản phẩm cơ khí sản xuất, phục vụ nhu cầu của các đơn vị TKV. Hạn chế nhập khẩu, mua ngoài các sản phẩm mà cơ khí TKV đã sản xuất được. Ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí của TKV với nguyên tắc đảm bảo chất lượng, tiến độ và lợi ích kinh tế của các bên.

Hiện nay, TKV đang tiếp tục tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh và đạt tiêu chuẩn chất lượng, duy trì tốc độ tăng trưởng của các đơn vị cơ khí. Ưu tiên chế tạo các sản phẩm, thiết bị cơ khí tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, phù hợp với nhu cầu sử dụng trong Ngành. Tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới lại mô hình tổ chức, tạo sức mạnh tổng thể của cơ khí ngành với những sản phẩm chiến lược mang thương hiệu TKV. Bên cạnh đó là những giải pháp khuyến khích các đơn vị trong ngành tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo các vật tư, thiết bị, sản phẩm mới để dần chủ động nguồn trong nước, giảm phụ thuộc vào nước ngoài.

PV: Với những cơ chế ưu tiên này, các đơn vị cơ khí của TKV có nhiều cơ hội nghiên cứu, chế tạo sản phẩm, mở rộng thị trường để tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra. Các đơn vị đã tận dụng tốt cơ hội để nội địa hoá sản phẩm?

Ông Mai Ngọc Thạch: Tập đoàn hiện có 11 đơn vị cơ khí, trong đó, có 6 đơn vị đóng chân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đáng chú ý, từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến dịch Covid-19, việc nhập khẩu các thiết bị, linh kiện cơ khí bị ảnh hưởng và gián đoạn tiến độ. Trong bối cảnh đó, các đơn vị cơ khí của TKV đã chủ động liên kết “bắt tay” nhau để sản xuất, chế tạo nội địa hóa các linh kiện, sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu. Tiêu biểu như: Cột chống thủy lực, giá khung thủy lực di động, máng cào, băng tải, máy xúc… Những thiết bị do chính đơn vị cơ khí TKV chế tạo đã bổ sung kịp thời vật tư, thiết bị, dây chuyền phục vụ sản xuất ngành Than.

PV: Ông có thể nêu cụ thể một số sản phẩm cơ khí mới được các đơn vị cơ khí TKV nghiên cứu chế tạo và phối hợp sản xuất  và đưa vào ứng dụng sản xuất khai thác than thời gian qua?

Ông Mai Ngọc Thạch: Công ty Cổ phần Cơ khí Mạo Khê đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, nghiên cứu chế tạo thành công giàn mềm GM 20/30, giàn mềm GM16/34 và GMCK01, giá thủy lực phân thể GCTL1600/16/24F. Các giàn mềm trên đang được áp dụng chống giữ lò chợ xiên chéo và khu vực ngã ba lò.

Công ty Cổ phần Cơ khí Ô tô Uông Bí cũng đã tập trung nội địa hóa các thiết bị cơ khí và chế tạo những sản phẩm mới phục vụ nhu cầu phát triển ngành Than. Công ty đã cải tiến tính năng của thiết bị máy xúc lật hông mini ML-01-0,15 và ML-01-0,3 phù hợp điều kiện sản xuất của các đơn vị khai thác; đồng thời, phối hợp với Công ty Than Nam Mẫu chế tạo và vận hành thử nghiệm thành công xe khoan ME-01-DE, mở ra bước phát triển đột phá trong việc ứng dụng công nghệ mới trong khoan đào lò.

Công ty Cổ phần Cơ điện Uông Bí hoàn thiện khâu lắp ráp máy xúc đá phòng nổ, mã hiệu XD 0,32 TL có thiết kế khá nhỏ gọn, trọng lượng trung bình hơn 7 tấn, phù hợp với nhiều diện sản xuất than hầm lò của TKV…

PV: Năm 2021 là năm thứ 2 nền kinh tế chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, trong đó cơ khí là ngành sản xuất đã chịu tác động kép từ việc suy giảm nhu cầu trên thị trường do các ngành kinh tế khác giảm sản xuất, đồng thời chịu thêm tác động do nguồn cung các vật tư, phụ tùng, nhất là các vật tư nhập khẩu có xu hướng khan hiếm và không ổn định về giá cả… Điều đó có ảnh hưởng tới kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị cơ khí trong Tập đoàn?

Ông Mai Ngọc Thạch: Được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn và các Ban chuyên môn, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các đơn vị cơ khí được triển khai theo kế hoạch phối hợp kinh doanh năm 2021 của TKV hướng dẫn và được cụ thể hóa trong từng tháng. Ban Cơ điện – Vận tải và các Ban chuyên môn Tập đoàn đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy sản xuất cơ khí phát triển. Các đơn vị cơ khí TKV đã có nhiều nỗ lực cố gắng, đổi mới, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, cùng sự đoàn kết, hỗ trợ trong khối cơ khí của các đơn vị, nên sản xuất cơ khí luôn ổn định, từng bước vượt qua các khó khăn, đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt, góp phần hoàn thành kế hoạch chung của TKV.

Kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2021 của khối Cơ khí TKV đạt được rất khả quan, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể: Doanh thu của cả khối (11 đơn vị) ước đạt 3.998 tỷ/3.966,5 tỷ đồng kế hoạch, đạt 100,3% kế hoạch năm và bằng 115% doanh thu thực hiện cùng kỳ 2020. Trong đó, doanh thu của 5 đơn vị cơ khí trực thuộc TKV ước đạt 2.284,1 tỷ/2.310,9 tỷ đồng kế hoạch, đạt 98,8% kế hoạch năm và bằng 118,5% so với doanh thu thực hiện cùng kỳ 2020. Tiền lương chung toàn khối Cơ khí TKV đạt hơn 8,7 triệu đồng/người-tháng, đạt 105% so với kế hoạch, đạt 105% so với cùng kỳ 2020. Tính đến thời điểm kết thúc tháng 10/2021, có 5/11 đơn vị đã hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2021, gồm: Công ty Cổ phần Chế tạo máy, Cơ khí Hòn Gai, Cơ khí Ô tô Uông Bí, Cơ khí mỏ và Đóng tầu, Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vật tư thiết bị - VVMI.

PV: Nỗ lực của cơ khí TKV trong thực hiện mục tiêu nội địa hóa đã thể hiện trong các sản phẩm cơ khí chế tạo, sửa chữa gần đây. Song, để đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất của Tập đoàn trong giai đoạn tới, định hướng cho các đơn vị cơ khí sẽ là gì, thưa ông?  

Ông Mai Ngọc Thạch: Giai đoạn 2020-2025, cơ khí TKV đặt mục tiêu phát triển “An toàn - Bền vững - Hiệu quả" và gắn với quy hoạch phát triển của TKV, đảm bảo năng lực sản xuất để đáp ứng các yêu cầu trong TKV và dần vươn ra thị trường bên ngoài.

Tập đoàn luôn quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ để cơ khí TKV phát triển. Tuy nhiên, sản xuất cơ khí luôn gặp khó khăn nên các đơn vị cơ khí cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tăng cường công tác nghiên cứu chế tạo các sản phẩm mới, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng, tiến độ sửa chữa, chế tạo thiết bị, phụ tùng; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân đáp ứng yêu cầu sản xuất; tăng cường hợp tác giữa các đơn vị cơ khí TKV, mở rộng thị trường trong và ngoài ngành để tạo thêm việc làm và tăng doanh thu…

Trân trọng cám ơn ông!

(Nguồn: Tapchicokhi.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!