Chỉ sau một năm bán hàng trên Alibaba.com doanh thu của DSW từ 3.000 USD cho đơn hàng đầu tiên đã đạt được 260.000 USD ngay trong mùa dịch.

Hội nghị Quốc tế xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com

Ngày 18/3/2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Alibaba.com tổ chức “Hội nghị Quốc tế xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com "We choose ACCELERATION"” lần thứ hai.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), dịch Covid-19 đã ảnh hưởng “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” tới 87,2% doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền, nhân công, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Để khắc phục các tác động này, một trong những giải pháp để các doanh nghiệp tìm khách hàng mới, thị trường tiêu thụ mới là tham gia vào các kênh thương mại điện tử để xúc tiến thương mại.

NGƯỜI TIÊU DÙNG QUỐC TẾ YÊU THÍCH ĐỒ UỐNG, SẢN PHẨM NHÀ, VƯỜN… CỦA VIỆT NAM

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc hợp tác giữa Cục xúc tiến thương mại với Alibaba.com là hướng đi mới trong bối cảnh dịch bệnh. Hoạt động xúc tiến thương mại số không ngừng được đẩy mạnh, tăng cường và đổi mới nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình mới, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, giao thương và xuất khẩu.

Bộ Công Thương đánh giá cao vai trò của Alibaba.com đối với việc thúc đẩy, tổ chức những hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thêm kỹ năng, kiến thức về xuất khẩu trực tuyến, về thương mại điện tử quốc tế để từ đó tiến hành kinh doanh bền vững.

Trong năm 2022 hai bên hợp tác triển khai, xây dựng và vận hành “Gian Hàng Quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion” trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Hỗ trợ hoạt động kết nối kinh doanh, tăng cường hiểu biết về sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam cho khách hàng quốc tế. Vietnam Pavilion sẽ được triển khai trong một năm kể từ tháng 3/2022.

Ấn nút khai trương gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn Alibaba.com.

Tại hội nghị, ông Andrew Zheng, Phó Tổng Giám đốc Alibaba.com chia sẻ, với sự hỗ trợ không ngừng của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) và các đối tác địa phương tại Việt Nam, Alibaba.com tin tưởng sẽ vững bước để đồng hành cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vượt qua thách thức, hướng tới một năm 2022 bền vững hơn.

Là một trong những quốc gia sản xuất đại diện cho khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã và đang có được uy tín mạnh mẽ đối với các khách hàng toàn cầu với năng lực sản xuất, sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và định hướng tập trung xuất khẩu. Các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam được thị trường quốc tế yêu thích như thực phẩm, đồ uống, nhà, vườn, làm đẹp, chăm sóc cá nhân và nông nghiệp…

Chia sẻ về hiệu quả hoạt động xuất khẩu trực tuyến của doanh nghiệp trên Alibaba.com trong thời gian qua, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc Điều hành DSW cho hay, phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là khi đại dịch toàn cầu đã và đang ngăn cản các hoạt động kinh tế trên nhiều mặt, DSW đã tìm kiếm được cơ hội cho mình, tìm kiếm được thị trường tiềm năng dựa vào sáng kiến "kinh doanh xuyên biên giới" của Alibaba.

Đi lên từ con số không, DSW gặp nhiều khó khăn trong cách vận hành cũng như lựa chọn sản phẩm phù hợp, cách “thổi hồn” cho từng sản phẩm, định hướng gian hàng theo một thị trường mục tiêu đã được xác định... trong những ngày đầu tham gia Alibaba.com.

Nhưng nhờ sự quan tâm, chăm sóc, nắm bắt nhu cầu thị trường, và quan trọng là khi vận hành gian hàng, Alibaba.com luôn thay đổi tư duy marketing cho sản phẩm, đặc biệt kênh tìm kiếm khách hàng của Alibaba.com không hạn chế một thị trường hay một quốc gia nào, nên chỉ sau một năm, doanh thu của DSW từ 3.000 USD cho đơn hàng đầu tiên đã đạt được 260.000 USD ngay trong mùa dịch.

HƠN 2.500 DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ ĐƯỢC TIẾP CẬN CÔNG CỤ BÁN HÀNG TRỰC TUYẾN

Cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết gần đây và tăng trưởng thương mại toàn cầu gia tăng mạnh mẽ, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 28 nghìn tỷ USD trong năm qua, cao hơn 11% so với mức trước Covid-19, ông Andrew Zheng cho rằng, đây là những ưu điểm và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tìm kiếm các mô hình kinh doanh bền vững thông qua các phương tiện số. Từ đó, tăng tốc phục hồi và thậm chí có được tăng trưởng bền vững, giảm bớt rào cản xuất khẩu vào các thị trường mới.

Chứng kiến ​​sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và xuất khẩu Việt Nam thông qua sức mạnh kỹ thuật số và thương mại điện tử, ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam cũng nhận định, bất chấp những khó khăn và trở ngại lớn, một số ngành công nghiệp của Việt Nam đã đạt được những kỷ lục xuất khẩu đáng chú ý như sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm đồ uống.

Nhìn vào khía cạnh tích cực, ông bày tỏ tin tưởng, thương mại điện tử toàn cầu có thể làm được nhiều việc hơn nữa để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nâng tầm quy mô sản xuất, khai phá thị trường quốc tế, tăng sản lượng xuất khẩu, tạo thêm việc làm, đào tạo thêm nhiều lao động hiểu biết về thương mại điện tử và có tác động tích cực đến nền kinh tế đất nước.

Đại diện Alibaba Việt Nam cho biết Alibaba.com tiếp tục dành riêng cho thị trường Việt Nam các dịch vụ riêng biệt để giúp các doanh nghiệp tăng tốc. Cụ thể, nền tảng này sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại thực hiện chương trình hỗ trợ Covid -19 với các hội thảo trực tuyến cho hơn 2.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ có tư duy và công cụ đúng đắn để vượt qua thời kỳ khó khăn của giãn cách xã hội. Các chuyên gia thương mại điện tử sẽ tư vấn cho doanh nghiệp trong suốt quá trình tham gia thương mại điện tử. 

(Nguồn: vneconomy.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!