Ngay trước khi Nga tiến đánh Ukraine vào ngày 24/02, chuỗi ngày gián đoạn sản xuất của các nước châu Âu tưởng chừng sắp kết thúc. Áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu giảm xuống khi hoạt động giao nhận hàng trở nên thông suốt hơn. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có thể kéo dài thời gian giao hàng hơn nữa, dẫn đến một cuộc khủng hoảng logistics đường biển và đường bộ.

Tác động đến vận tải đường biển

Các cảng biến của Ukraine trên Biển Đen đã phải đóng cửa. Nhiều công ty vận tải biển lớn trên toàn cầu, bao gồm Maersk, đã tạm dừng tất cả các hoạt động đến và đi từ Nga cho đến khi có thông báo mới. Những thách thức mới có nguy cơ gây thêm áp lực lên giá vận chuyển container - vốn đã tăng cao, cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ tắc nghẽn hàng hóa hơn. Vào tháng Hai, theo Chỉ số Harper Petersen Charter Rates, giá cước vận tải bằng đường biển đã tăng 250% so với năm trước.

Giao thông đường không, đường sắt và đường bộ trở nên phức tạp hơn

Các nước châu Âu cấm máy bay đi và về từ Nga. Vận tải đường sắt cũng bị gián đoạn, các tuyến đường từ châu Á qua Belarus và Ukraine đã bị chặn. Vận tải hàng hóa bằng đường bộ là phương thức vận chuyển hàng hóa chủ đạo ở châu Âu, chiếm hơn 75% tổng lượng vận tải hàng hóa khu vực này. Tuy nhiên, loại hình vận tải này cũng chịu chung số phận.

Thiếu tài xế xe tải là nhân tố chính

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine có tác động không nhỏ đến hoạt động logistics ở châu Âu vì một tỷ lệ lớn tài xế xe tải hoạt động tại châu Âu là người Ukraine. Thiếu lao động là một vấn đề cấp bách hiện nay, tỷ lệ tuyển dụng việc làm ngày càng cao, tình trạng thiếu tài xế xe tải ngày càng nghiêm trọng. Do đó, các công ty châu Âu đang phải tăng cường tuyển dụng tài xế xe tải từ bên ngoài EU, đặc biệt là những công ty có trụ sở tại Đông Âu như Ba Lan và các nước ở vùng biển Baltic. Chỉ riêng tại Ba Lan, hơn 100.000 giấy phép lái xe đã được cấp cho các tài xế xe tải từ các nước không thuộc EU vào cuối năm 2020, tăng so với 4.000 vào năm 2012. Phần lớn các tài xế này đến từ Ukraine. Hiện tại, không chỉ có một số lượng lớn tài xế bị mắc kẹt ở Ukraine, nhiều công dân Ukraine đang trở về nước theo lời kêu gọi tất cả nam giới từ 18-60 tuổi cầm vũ khí chiến đấu.

Tất cả những yếu tố này sẽ khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ở châu Âu trở nên trầm trọng hơn trong những tháng tới. Hệ quả là có thể cung không đủ cầu, hàng hóa bị tắc nghẽn ở cảng. Thực ra hồi đầu năm nay, Anh cũng đã trải qua tình trạng tương tự khi có quá ít tài xế xe tải vận chuyển hàng từ cảng đến nhà kho và từ nhà kho đến siêu thị.

Vậy doanh nghiệp có thể làm gì để giảm thiểu sự gián đoạn của chuỗi cung ứng? Trước tiên, họ cần phải tìm ra các điểm nghẽn logistics trong toàn bộ chuỗi giá trị. Sử dụng một công cụ lập bản đồ chuỗi cung ứng dựa trên máy học sẽ giúp họ làm điều này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn cần xác định điểm cân bằng cung-cầu mới sau xung đột để có thể phân bổ công suất nhàn rỗi nhằm đáp ứng các nhu cầu mới. Sau khi có một bức tranh rõ ràng hơn về những vấn đề này, doanh nghiệp nên nghĩ đến chiến lược ứng phó. Chẳng hạn, tập trung vào các yêu cầu của khách hàng chính, xác định những rủi ro có thể xảy ra và chuẩn bị trước để đảm bảo năng lực logistics.

(Nguồn: Conference Board)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!