Cảnh báo Việt Nam có nguy cơ nhập khẩu lạm phát
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - tài chính thế giới và trong nước trong những tháng đầu năm 2022, đưa ra những cảnh báo như trên cho nền kinh tế, Bộ Tài chính đánh giá kinh tế vĩ mô phục hồi tích cực.
Bộ Tài chính cho biết, các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao…. Tuy nhiên, nền kinh tế đã có những rủi ro, thách thức mới, có thể tác động đến sự phục hồi của nền kinh tế.
Trước hết đó là rủi ro lạm phát khi Việt Nam chịu sức ép cao về lạm phát chủ yếu do nền kinh tế có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài là hiện hữu khi nhiều sàn phẩm trong nước phụ thuộc vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu. Thứ hai là lạm phát ở các nước tăng cao, do xung đột Nga và Ukraine, ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19, giá năng lượng, giá lương thực tăng cao.
"Lạm phát là một trong những rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam cũng như thế giới trong năm 2022. Lạm phát được dự báo sẽ ở mức cao trong năm 2022, tạo áp lực lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô" - Bộ Tài chính cho biết.
Khái niệm nhập khẩu lạm phát xảy ra khi nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nhập khẩu vốn, máy móc, nguyên liệu từ nước có tỷ lệ lạm phát cao. Tại Việt Nam, nền kinh tế có độ mở rất lớn, đa dạng hoá nhập khẩu từ nhiều quốc gia, chính vì vậy, đây là nguy cơ hiện hữu trước mắt.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh đó triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dù có những chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, giải ngân đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch, nhiều điểm nghẽn của nền kinh tế vẫn chưa được cởi bỏ.
Huy động trái phiếu gặp nhiều khó khăn, các nhà đầu tư có xu hướng chờ thị trường ổn định, trong khi đó sau hàng loạt vụ việc xảy ra gần đây của FLC, Tân Hoàng Minh, tâm lý nhà đầu tư và luồng vốn đổ vào trái phiếu giảm sút.
Theo Bộ Tài chính, nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, tại Việt Nam các gói kích thích và phục hồi kinh tế còn giải ngân chậm, nếu thời điểm này Việt Nam tăng lãi suất sẽ đi ngược với chính sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi của Chính phủ.
Về nguồn cung nguyên liệu và chuỗi sản xuất, do Trung Quốc duy trì chính sách không Covid-19 (Zero Covid-19) nên tác động không nhỏ đến sản xuất của một số ngành hàng Việt Nam do thương mại xuất nhập khẩu với thị trường này rất lớn.
Về việc tăng giá đồng USD và một số đồng tiền khác như Yen, Euro mất giá, Bộ Tài chính khẳng định sức cạnh tranh của đồng Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm so với các đồng tiền khác do tỷ giá của đồng tiền Việt Nam với USD ổn định, đây là vấn đề đặt ra để các doanh nghiệp tính toán, cân đối theo dõi sát tình hình để ứng phó linh hoạt.
Đáng chú ý, bên cạnh đẩy nhanh triển khai các gói kích thích kinh tế, cải thiện sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.
Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam cần theo dõi sát tình hình tỉ giá và quản lý thị trường ngoại hối phù hợp… Đặc biệt, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát, cảnh báo nguy cơ và kiểm soát lạm phát.
"Nhận định mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt để có giải pháp đảm bảo nguồn cung, không gây đứt gãy nguồn cung, gắn với theo dõi sát giá cả các mặt hàng thiết yếu", Bộ Tài chính nêu.
Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, EU phải đương đầu giải bài toán khó liên quan đến lạm phát. Tại Mỹ, CPI tháng 6 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong vòng 40 năm qua; hầu hết các nền kinh tế EU như Anh, Đức, Hà Lan đang đương đầu với lạm phát và nguy cơ thiếu hụt chất đốt trước mùa đông; các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines cũng đang đối mặt với lạm phát cao trong thời gian qua.
(Nguồn: danviet.vn)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!