Nếu các nhà sản xuất ô tô toàn cầu nghĩ rằng họ có thể mở rộng sự thống trị của mình ở Trung Quốc sang kỷ nguyên điện, thì có thể gặp phải một cú sốc thực sự.

Thương hiệu nước ngoài tụt hậu

 

Những ông vua của thời đại động cơ đốt trong như General Motors và Volkswagen đang tụt hậu so với các đối thủ địa phương trong thị trường xe điện (EV) đang bùng nổ ở Trung Quốc.

Đối với một nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh như Tianna Cheng, tình huống tiến thoái lưỡng nan chính khi cô mua một chiếc crossover chạy điện Xpeng trị giá 180.000 nhân dân tệ (27.000 USD) là liệu cô có nên đi xe BYD hay Nio và cô không xem xét việc mua bán với thương hiệu từ nước ngoài.

"Nếu tôi mua một chiếc ô tô chạy xăng, tôi có thể đã cân nhắc đến các thương hiệu nước ngoài", cô gái 29 tuổi nói khi lái xe đi làm về. Nhưng tôi muốn có một chiếc EV. Ngoài Tesla, tôi thấy rất ít thương hiệu nước ngoài áp dụng công nghệ thông minh tiên tiến đúng cách”, Tianna Cheng cho biết.

Được thúc đẩy bởi nhu cầu từ những người tiêu dùng như Cheng, doanh số bán ô tô điện đang tăng vọt trên thị trường ô tô trị giá 500 tỷ USD của Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới.

Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2022, số lượng xe du lịch năng lượng mới - EV thuần túy và plug-in hybrid - đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,49 triệu xe.

Các công nghệ sạch hơn chiếm 23% thị trường xe du lịch của Trung Quốc, nơi doanh số bán xe tổng thể giảm 12%, phản ánh sự sụt giảm mạnh về nhu cầu đối với xe chạy xăng.

Đáng chú ý, theo số liệu của Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, không có thương hiệu nước ngoài nào lọt vào danh sách 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu trong phân khúc xe năng lượng mới (NEV) năm nay, ngoại trừ hãng xe điện Tesla tiên phong của Mỹ ở vị trí thứ ba.

Tất cả phần còn lại là các thương hiệu Trung Quốc, từ BYD, Wuling đến Chery và Xpeng. BYD đã bán được khoảng 390.000 chiếc EV tại nước này trong năm nay, gấp hơn ba lần so với số lượng xe bán ra của Tesla tại đây. Nhà sản xuất ô tô truyền thống được xếp hạng hàng đầu là liên doanh của Volkswagen với FAW Group, ở vị trí thứ 15 về doanh số bán xe điện.

Đó là một sự đảo ngược đáng kinh ngạc bởi các thương hiệu toàn cầu đã thống trị ở Trung Quốc kể từ những năm 1990, thường giành được 60% đến 70% thị phần bán xe du lịch trong những năm gần đây. Trong bốn tháng đầu năm 2022, họ chiếm được 52%, với thị phần hàng tháng trong tháng Tư của họ là 43%.

Báo hiệu về quy mô của thách thức mà các nhà sản xuất ô tô truyền thống phải đối mặt, Giám đốc điều hành Nissan Makoto Uchida nói với Reuters rằng, một số thương hiệu "có thể biến mất trong 3-5 năm tới" ở Trung Quốc.

"Các thương hiệu địa phương đang trở nên mạnh hơn", Uchida, người trước đây là Giám đốc Nissan tại Trung Quốc, cho biết thêm rằng chất lượng xe điện từ các nhà sản xuất Trung Quốc đã được cải thiện nhanh chóng, với những tiến bộ đã được thực hiện trong thời gian… vài tháng.

Vị Giám đốc điều hành này nhận định: “Sẽ có rất nhiều sự thay đổi ở Trung Quốc và chúng tôi cần phải theo dõi tình hình một cách cẩn thận. Nếu chậm chân, chúng tôi sẽ bị tụt lại phía sau”.

Công nghệ "bản địa"

 

Bill Russo, cựu giám đốc điều hành của Chrysler, hiện đứng đầu công ty tư vấn Automobility có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết các thương hiệu toàn cầu cần nhanh chóng xoay chuyển tình thế vì họ kiểm soát chưa đến 20% thị trường ô tô tăng trưởng duy nhất của Trung Quốc.

Ông Russo cho hay: “Các thương hiệu Trung Quốc đang bắt đầu cuộc đua tới xe điện. Việc người tiêu dùng chuyển sang sử dụng những chiếc xe thông minh dường như là không thể đảo ngược và các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang gặp khó khăn trong việc theo kịp. Tôi nghĩ rằng đó là một sự thay đổi thực tế đối với công nghệ cao. Trong khi các công ty truyền thống không phải là công nghệ cao bản địa”.

(Nguồn: autonews.vneconomy.vn)

 

Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!