Trong quý đầu tiên của năm 2022, nhập khẩu hàng hóa tăng do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao cũng là yếu tố khiến kim ngạch nhập khẩu tăng.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2022 ước tính đạt 32,67 tỷ USD, tăng 28,7% so với tháng trước.
Tính chung quý 1/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 29,43 tỷ USD, tăng 13,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,3 tỷ USD, tăng 17,1%.
Phát biểu tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều nay 30/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu: chiếm 88,7% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong quý 1/2022 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 77,88 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt cao nhất, 21,72 tỷ USD, tăng 31% so với quý 1/2021.
Tương tự, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 15,2%, đạt 5,5 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 18,9%; cao su các loại tăng 33%; bông các loại tăng 40%; xăng dầu các loại tăng 129%.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu quý 1/2022 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4,99 tỷ USD.
“Nhìn chung, nhập khẩu tăng do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao cũng là yếu tố khiến kim ngạch nhập khẩu tăng”, ông Đỗ Thắng Hải lý giải.
Xung quanh vấn đề gia tăng nhập khẩu từ đầu năm đến nay, trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) phân tích, phần lớn tổng trị giá nhập khẩu là nhập khẩu tư liệu sản xuất, nguyên vật liệu.
Điều này phản ánh chuỗi cung ứng về nguyên vật liệu và các yếu tố đầu vào của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã bắt đầu khôi phục.
Trên thực tế, nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam như dệt may, da giày… đã có sự phục hồi đơn hàng rõ rệt trong năm nay nên việc gia tăng nhập khẩu nguồn nguyên phục vụ sản xuất là điều đương nhiên.
(Nguồn: haiquanonline.com.vn)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!