Mối lo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái đang đè nặng các nhà đầu tư và gây rủi ro cho chính quyền Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào mùa thu này.
Thực tế là nền kinh tế Mỹ đã đi xuống và xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nó đang sa sút nhiều hơn dự báo. Điều này đặt ra những thách thức mới cho doanh nghiệp và người lao động Mỹ, nhưng lại có thể hữu ích với Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong trung hạn, bởi cơ quan này đang cố gắng thu hẹp các gói kích thích quy mô lớn từ thời đại dịch Covid-19 và kiểm soát lạm phát mà không gây sốc.
Dưới đây là 3 chỉ dấu về việc làm, nhà ở và báo cáo tóm tắt kinh tế (Beige Book) thể hiện động lực tăng trưởng kinh tế Mỹ đang suy giảm so với thời kỳ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021.
Thứ nhất, về thị trường việc làm, Mỹ ghi nhận 390.000 việc làm bổ sung trong báo cáo tháng 5/2022. Tuy cao hơn dự báo, nhưng con số này lại giảm so với mốc 428.000 việc làm thiết lập vào tháng 4. Hơn nữa, phần lớn thời gian của năm qua Mỹ đều ghi nhận khoảng 450.000 - 650.000 việc làm bổ sung mỗi tháng.
Thứ hai, đối với thị trường nhà ở, chi phí vay đã tăng vọt do Fed quyết định tăng lãi suất. Lãi vay thế chấp cố định trong 30 năm đạt trung bình 5,09% trong tuần kết thúc vào ngày 2/6, cao hơn nhiều so với mốc 2,99% trong cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí vay tăng cao khiến các khách mua nhà tiềm năng rời bỏ thị trường. Doanh số bán nhà xây sẵn ở Mỹ trong tháng 4 cũng đánh dấu tháng thứ ba sụt giảm liên tiếp.
Thứ ba, theo báo cáo tóm tắt kinh tế (Beige Book) do Fed công bố tuần này, tất cả 12 quận ở Mỹ đều ghi nhận tăng trưởng, nhưng tác động từ chính sách thắt chặt của Fed ở các khu vực này ngày càng rõ rệt.
"Các đầu mối bán lẻ đã ghi nhận một số sụt giảm do giá cả tăng cao, trong khi các đầu mối kinh doanh bất động sản dân cư cũng suy yếu do người mua nhà chùn tay bởi giá bán và lãi suất cùng tăng", báo cáo Beige Book nêu.
Ghi nhận của Beige Book tại 8 quận cho thấy "kỳ vọng về tăng trưởng tương lai của các đối mối đã suy giảm", trong khi các đầu mối ở 3 quận khác "bày tỏ đặc biệt lo ngại về suy thoái".
Các chuyên gia kinh tế tại Citigroup cho rằng sự sụt giảm trên thị trường việc làm Mỹ có thể không phải là một tín hiệu hữu hình rằng nền kinh tế đang thực sự ổn định trở lại với tốc độ bình thường.
"Mặc dù sự sụt giảm trên thị trường lao động có thể là một dấu hiệu đáng mừng cho Fed vì nó cho thấy nhu cầu lao động đang suy giảm, nhưng trong thời gian tới, chúng tôi dự cho rằng tốc độ tăng trưởng việc làm sẽ chỉ nhích nhẹ do tình trạng thiếu hụt lao động", các nhà phân tích Citigroup nhận định.
Trong khi doanh số bán nhà sụt giảm, thì giá nhà tiếp tục tăng. Mức giá trung bình của một căn nhà ở Mỹ trong tháng 4/2022 đã cán mốc kỷ lục 391.200 USD, tăng 14,8% so với một năm trước, theo báo cáo của Hiệp hội Môi giới bất động sản Mỹ (NAR).
Điều đó có nghĩa là vẫn còn quá sớm để nói liệu kế hoạch của Fed nhằm đạt mục tiêu "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế có hiệu quả hay không và sẽ là khôn ngoan nếu các nhà đầu tư tiếp tục ra quyết định đầu tư một cách thận trọng.
Từ đầu năm đến nay, Fed đã thực hiện hai đợt tăng lãi suất với tổng cộng 75 điểm cơ bản để đối phó với lạm phát. Cơ quan này đã cũng cho biết họ sẽ thực hiện một loạt đợt tăng lãi suất cho đến khi lạm phát lùi về gần mục tiêu 2%.
(Nguồn: baodautu.vn)
Cảm ơn đã theo dõi hết bài viết!!!